Quan chức không quân Hàn Quốc giấu tên hôm nay xác nhận chiếc tiêm kích tàng hình của không quân nước này không thả được càng đáp và phải hạ cánh khẩn cấp xuống căn cứ ở thành phố Seosan, miền tây Hàn Quốc chiều qua.
"Máy bay phải tiếp đất bằng bụng trên đường băng. Phi công an toàn và tự rời khỏi phi cơ", quan chức này cho biết hôm nay, thêm rằng mọi hoạt động của dòng F-35A trong biên chế không quân Hàn Quốc đã bị đình chỉ để điều tra.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chưa bình luận về thông tin.
Chưa rõ mức độ hư hại của phi cơ, nhưng không quân Hàn Quốc có thể tốn nhiều thời gian và tiền bạc để sửa chữa hư hỏng, do phi cơ sử dụng sơn phủ đặc biệt, cùng với đó là nhiều bộ phận composite và cấu trúc khung thân phức tạp của tiêm kích để bảo đảm khả năng tàng hình.

Tiêm kích F-35A Hàn Quốc bay thử tại Mỹ hồi năm 2018. Ảnh: USAF.
Đây là sự cố đầu tiên với tiêm kích tàng hình Hàn Quốc được tiết lộ, nhưng các chiến đấu cơ F-35 trong biên chế không quân Mỹ từng nhiều lần gặp sự cố với càng đáp. Một chiếc F-35A thuộc Không đoàn tiêm kích số 388 của Mỹ từng sập càng ở căn cứ Hill hồi tháng 6/2020, khiến phần mũi với nhiều cảm biến bị đập mạnh xuống đường lăn.
Hàn Quốc ký hợp đồng mua 40 tiêm kích F-35A của Mỹ năm 2014 trị giá khoảng 6,6 tỷ USD và đã nhận bàn giao toàn bộ số máy bay này. Seoul cũng lên kế hoạch mua thêm 20 chiếc F-35 với giá 3,3 tỷ USD năm 2019, trong đó có phiên bản F-35B với khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để triển khai cho tàu sân bay hạng nhẹ dự kiến vận hành từ năm 2033.
Tiêm kích F-35 được coi là thành phần quan trọng trong chiến lược tấn công phủ đầu của Hàn Quốc nhằm răn đe Triều Tiên.
F-35A là phiên bản tiêm kích tàng hình được phát triển cho không quân Mỹ và các nước đồng minh. Đây là biến thể nhỏ và nhẹ nhất trong dòng F-35, có khả năng cơ động cao hơn nhiều so với mẫu F-35B thủy quân lục chiến và F-35C hải quân, cũng là mẫu F-35 duy nhất mang pháo GAU-22/A cỡ nòng 25 mm trong thân.
Vũ Anh (Theo Military Times)