Trước tình hình căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Biển Đông, Mỹ có thể cân nhắc điều động tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II đến khu vực này, theo Bussiness Insider.
"Việc huy động cả ba biến thể khác nhau của tiêm kích đa nhiệm F-35 đến môi trường Biển Đông là một lợi thế rất lớn", đại tá không quân Mỹ nghỉ hưu John Venable khẳng định.
Theo Venable, tham vọng lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông đang biến vùng biển giàu tài nguyên cùng nhiều tuyến hàng hải quan trọng này trở thành một trong những khu vực bị quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới.
Những hình ảnh vệ tinh mới được công bố cho thấy Trung Quốc đã tăng cường xây dựng các nhà chứa máy bay trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh sẽ triển khai máy bay quân sự và các loại khí tài lớn đến đây.
Với lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, Mỹ hiện vẫn chiếm ưu thế ở khu vực này, tuy nhiên vị thế này sẽ thay đổi khi Bắc Kinh tăng cường đáng kể tiềm lực hải quân trên Biển Đông.
"Ở mức độ nào đó, nhiều khả năng Trung Quốc có thể cản trở quyền tự do đi lại của Mỹ ở một số khu vực trên Biển Đông. Lúc đó, việc Mỹ chỉ cần rút một cụm tàu sân bay chiến đấu khỏi Tây Thái Bình Dương cũng đã là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi", Robert Kaplan, học giả cao cấp ở Trung tâm An ninh Mỹ, đánh giá.
Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng tiêm kích đa nhiệm F-35, được thiết kế với công nghệ tàng hình và hệ thống điện tử tối tân, sẽ phát huy hiệu quả trong khu vực quân sự hóa cao độ ở Biển Đông.
"Trung Quốc có lý do để khiếp sợ khi không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ được trang bị các siêu tiêm kích thế hệ 5 này", chuyên gia Venable nhấn mạnh.
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng David Axe của Daily Beast, chương trình F-35 được tiến hành với tham vọng rất lớn. Lầu Năm Góc hy vọng với thiết kế cánh đuôi kép, động cơ mạnh mẽ, phần mũi góc cạnh và đôi cánh mập, F-35 có thể bay đủ nhanh và linh hoạt để không chiến với các máy bay khác trên trời. Với công nghệ tàng hình hiện đại, nó có thể mang theo bom để thâm nhập vùng phòng không của đối thủ và loại bỏ các mục tiêu quan trọng trên mặt đất.
Không thỏa mãn với các tiêm kích F-35 cất cánh kiểu thông thường, Bộ Quốc phòng Mỹ còn muốn có các phiên bản có thể cất cánh từ tàu sân bay và cất cánh thẳng đứng như trực thăng từ các tàu tấn công kích cỡ nhỏ hơn.
Hiện nay, để thực hiện tất cả những việc trên, Lầu Năm Góc có không dưới 8 loại tiêm kích khác nhau. Chương trình tiêm kích đa nhiệm F-35 hướng tới tham vọng thay thế hàng nghìn chiếc máy bay kiểu này chỉ bằng ba biến thể khá giống nhau, gồm tiêm kích có khả năng cơ động cao F-35A của không quân, tiêm kích cất cánh thẳng đứng F-35B của thủy quân lục chiến và tiêm kích được thiết kế cánh lớn hơn để hoạt động trên tàu sân bay F-35C của hải quân.
Lầu Năm Góc cho rằng việc sàng lọc, thay thế 8 loại tiêm kích bằng chỉ ba biến thể có thiết kế cơ bản giống nhau nhằm tăng hiệu quả sản xuất, huấn luyện và các phụ tùng thay thế giúp tiết kiệm hàng nghìn cho đến hàng trăm triệu USD.
Tháng 7/2015, sau khi bị đội giá, cải tiến thiết kế và thử nghiệm nghiêm túc, Thủy quân Lục chiến Mỹ là quân chủng đầu tiên tuyên bố biến thể F-35B của họ đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu (IOC).
Một năm sau khi trải qua những thay đổi, không quân Mỹ cũng tuyên bố biến thể F-35A của họ vượt qua bài kiểm tra IOC. Phiên bản F-35C của hải quân hiện nay dự kiến đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu sơ bộ vào tháng 2/2019.
Xem thêm: Kế hoạch triển khai F-35 trong chiến tranh tương lai của Mỹ.
Duy Sơn