![Chiếc F-22 bị hỏng mũi đang làm nhiệm vụ tại Trung Đông. Ảnh: USAF.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/08/07/F-22-1-3361-1565151801.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3HUb43rl-I3O3ViHnHadJw)
Chiếc F-22 bị hỏng mũi đang làm nhiệm vụ tại Trung Đông. Ảnh: USAF.
Nhiều người dùng mạng xã hội tại Mỹ hôm qua chỉ ra dấu hiệu hư hại của một tiêm kích tàng hình F-22 trong hình ảnh do không quân Mỹ công bố hồi đầu tháng 8. "Hãy nhìn lớp vỏ tàng hình trước buồng lái đã bong tróc đến mức nào. Ôi trời", một người dùng Twitter viết.
Bức ảnh nằm trong loạt hình ảnh tư liệu được không quân Mỹ đăng trên website chuyên phân phối hình ảnh của quân đội nước này. Không quân Mỹ cho biết phi đội F-22 đang làm nhiệm vụ tuần tra ở "một khu vực bí mật". Giới phân tích đã so sánh địa hình bên dưới với các ảnh vệ tinh và nhận định chiếc F-22 đang hoạt động trên bầu trời gần thành phố Raqqa, tây bắc Syria.
Lầu Năm Góc không bình luận về thông tin trên.
Phi đội F-22 Mỹ triển khai tại Trung Đông thường xuyên gặp tình trạng lớp sơn hấp thụ sóng radar và điện từ bao phủ toàn thân máy bay bị biến dạng và bong tróc. Không quân Mỹ cho biết nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ khí hậu khắc nghiệt và không phù hợp với thành phần cấu tạo của lớp sơn.
![Phần mũi bong tróc của tiêm kích F-22 biểu diễn tại Mỹ hôm 31/7. Ảnh: Drive.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/08/07/F-22-2-6932-1565151801.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wums4ORnlk4sDTWuV8XQiQ)
Phần mũi bong tróc của tiêm kích F-22 biểu diễn tại Mỹ hôm 31/7. Ảnh: Drive.
Olsen Derrol, cựu chuyên gia tập đoàn Lockheed Martin, từng đánh giá lớp sơn tàng hình của F-22 rất kém bền, có thể dễ dàng bong tróc khi gặp ẩm hay bị các loại nhiên liệu bám vào. Tuy nhiên, đại diện Lockheed Martin khi đó bác bỏ tuyên bố của Derrol, khẳng định lớp sơn của F-22 luôn đạt tiêu chuẩn cho phép.
Một chiếc F-22 Mỹ tuần trước cũng để lộ phần sơn nứt nẻ và bong tróc tới mức lộ cả cấu trúc bên dưới khi tham gia biểu diễn tại triển lãm hàng không ở bang Wisconsin, Mỹ.
Vũ Anh (Theo Sputnik)