Tiêm kích F-15K phóng tên lửa SLAM-ER
Không quân Hàn Quốc với nòng cốt là 60 tiêm kích F-15K Slam Eagle được coi là át chủ bài để nước này đối phó với Triều Tiên khi nổ ra chiến tranh, theo National Interest.
Được phát triển từ tiêm kích đa năng F-15E Strike Eagle của Mỹ, F-15K được trang bị nhiều hệ thống tác chiến điện tử và cảm biến tối tân, cùng các tên lửa hành trình chuyên phá hầm ngầm, đủ sức tiêu diệt các công trình kiên cố của Triều Tiên.
Năm 2002, Hàn Quốc đặt mua 40 tiêm kích F-15K từ Mỹ với giá 4,2 tỷ USD. Đây là bước đầu tiên trong chương trình ba giai đoạn có tên mã F-X nhằm hiện đại hóa lực lượng chiến đấu cơ nước này. Gần 40% linh kiện của F-15K gồm thân, cánh và hệ thống điện tử được sản xuất bởi các công ty Hàn Quốc, trước khi chuyển tới nhà máy lắp ráp của tập đoàn Boeing ở bang Missouri, Mỹ.
Ra đời sau mẫu F-15E hơn 10 năm, F-15K được trang bị các công nghệ mới như màn hình hiển thị đa năng, buồng lái tương thích với kính nhìn đêm, cùng hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ (JHMCS), cho phép phi công khóa mục tiêu cho tên lửa AIM-9X chỉ bằng cách nhìn về phía máy bay đối phương.
Lô 40 chiếc F-15K cho Hàn Quốc cũng là một trong những biến thể F-15 đầu tiên sử dụng động cơ F110-GE-129, cho lực đẩy cao hơn 10% so với mẫu P&W F110 của F-15E.
Đến năm 2008, Hàn Quốc mua tiếp 21 tiêm kích F-15K trong giai đoạn hai của chương trình F-X nhằm thay thế chiến đấu cơ F-5B bị loại biên. Trong đó, một máy bay được đặt hàng để thay thế cho chiếc F-15K gặp tai nạn vào năm 2006, nâng tổng số tiêm kích F-15K của Hàn Quốc lên 60 chiếc. Lô máy bay này được trang bị cụm chỉ thị mục tiêu Sniper-XR và động cơ F100-PW-229 để tận dụng kho linh kiện của máy bay KF-16.
Dòng F-15K được tích hợp hệ thống quét và bám bắt hồng ngoại (IRST) AAS-42, cho phép nó theo dõi đối phương ở khoảng cách gần mà không cần bật radar. Radar APG-63(V)1 của F-15K có chế độ tìm kiếm và xác định mục tiêu trên biển, phục vụ hoạt động tác chiến đối hải.
Để đối phó với lưới phòng không dày đặc của Triều Tiên, F-15K được trang bị Tổ hợp tác chiến điện tử chiến thuật (TEWS) nhẹ và có uy lực hơn hệ thống trên F-15E. Tổ hợp này gồm thiết bị đối kháng ALQ-135M với tốc độ xử lý nhanh để theo dõi và gây nhiễu nhiều tên lửa phòng không cùng lúc, kết hợp với bộ phóng mồi bẫy ALE-47 để đánh lừa cả tên lửa sử dụng đầu dò hồng ngoại và radar.
F-15K có thể mang tới 10,5 tấn vũ khí các loại, bao gồm tên lửa đối không AIM-9X Sidewinder, AIM-7 Sparrow và AIM-120B/C AMRAAM cùng tên lửa hành trình đối đất AGM-84E SLAM-ER với tầm bắn 275 km. Mục tiêu của SALM-ER là các bệ phóng tên lửa di động, khí tài hỗ trợ và hệ thống phòng không Triều Tiên.
Các tiêm kích F-15K này được biên chế cho Không đoàn tiêm kích số 11 đóng tại căn cứ Daegu, cách giới tuyến phi quân sự (DMZ) 270 km về phía nam. Đây là tiêm kích duy nhất của Hàn Quốc có thể mang tên lửa hành trình Taurus KEPD-350K, cho phép nó tấn công gần như mọi mục tiêu trên lãnh thổ Triều Tiên mà không cần áp sát biên giới.
Hàn Quốc đặt mua tổng cộng 260 quả KEPD-350K của Đức để trang bị cho F-15K. Phiên bản tên lửa của Hàn Quốc sử dụng hệ thống định vị toàn cầu do Rockwell Collins sản xuất, có khả năng chống gây nhiễu cao, khác biệt với mẫu KEPD-350 nguyên bản. Seoul lựa chọn dòng tên lửa này sau khi bị Mỹ từ chối bán sản phẩm AGM-158 JASSM.
Tên lửa KEDP-350K phóng từ máy bay F-15K Hàn Quốc
Taurus KEDP-350 là tên lửa hành trình có khả năng tàng hình với tầm bắn trên 500 km, sử dụng động cơ phản lực cho tốc độ bay 1.100 km/h. KEPD-350 có thể lắp đặt trên nhiều loại tiêm kích như Panavia Tornado, Eurofighter Typhoon, Jas-39 Gripen, F/A-18 và F-15E/K.
Tên lửa sử dụng đầu nổ kép nặng 481 kg, có khả năng xuyên qua lớp đất hoặc bê tông dày trước khi kích nổ ở bên trong công trình ngầm của đối phương. Mục tiêu chính của KEPD-350 là hầm ngầm kiên cố, trạm chỉ huy và liên lạc, sân bay, bến cảng, kho tàng vũ khí, tàu chiến và cơ sở hạ tầng.
Với vũ khí mạnh và hệ thống điện tử tối tân, F-15K được coi là át chủ bài của Hàn Quốc trong các kế hoạch tấn công phủ đầu, ngăn chặn đòn tấn công hạt nhân và giảm thiệt hại từ đòn pháo kích của Triều Tiên, chuyên gia quân sự Sebastien Roblin nhận định.
Duy Sơn