Theo vào cuối tháng 11, Bộ Y tế gửi công văn đến các địa phương về việc tăng cường chống Covid-19 và dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, nhất các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, tránh để "dịch chồng dịch". Theo Bộ Y tế, đối với các bệnh có vaccine phòng như sởi, rubella, ho gà, các địa phương nên khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.
Người lớn cũng có thể mắc ho gà, bạch hầu, uốn ván
Ho gà, bạch hầu và uốn ván thường gặp nhiều hơn ở trẻ nhỏ nhưng người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh. Người trưởng thành chưa được tiêm ngừa hoặc người lớn mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, các bệnh đường hô hấp... nếu tiếp xúc với nguồn lây sẽ có thể mắc bệnh cao hơn.
Theo chương trình tiêm chủng mổ rộng, ho gà là bệnh lý truyền nhiễm do vi khuẩn Bordetella pertussis tấn công và gây viêm đường hô hấp, khiến người mắc ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Viêm phế quản, viêm phế quản phổi do bội nhiễm, ho kéo dài, ngừng thở... là biến chứng của bệnh và dễ gây tử vong. Nếu mắc ho gà, bệnh có thể diễn biến nặng và ngược lại đôi lúc các bệnh nền mạn tính đang mắc phải cũng ảnh hưởng lên bệnh ho gà. Điều này có thể dẫn đến kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị.
Bạch hầu cũng lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với đồ vật dính dịch tiết của người mang mầm bệnh. Bạch hầu gặp ở nhiều nhóm trẻ em, người lớn nếu tiếp xúc nguồn lây chưa tiêm vaccine cũng có thể mắc bệnh. Hằng năm tại Việt Nam vẫn còn xuất hiện các ca bạch hầu, gần đây nhất là tại Nghệ An.
Bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Vi khuẩn sinh ra các độc tố gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể gây suy hô hấp và tuần hoàn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng như ngạt thở, viêm cơ tim, thương tổn thần kinh... và có thể dẫn đến tử vong đột ngột trụy tim mạch nếu không được điều trị kịp thời. Theo Cục Y tế dự phòng, tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu khoảng 5%-10%.
Uốn ván cũng là bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam, năm 2019, có 435 ca uốn ván. Theo chương trình tiêm chủng mổ rộng, nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên. Xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương, vết xước và phát triển thành các ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván. Uốn ván gây ra các cơn co cứng và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn như co thắt thanh quản, thuyên tắc phổi... Theo Cục Y tế dự phòng, tỷ lệ tử vong/ mắc uốn ván khoảng 10-90%, tỷ lệ tỷ vong cao nhất ở trẻ nhỏ và người có tuổi.
Tiêm vaccine giúp phòng ba bệnh truyền nhiễm
Bảo vệ bản thân và gia đình, nhất là những người lớn tuổi khỏi những nguy cơ mắc các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván là một trong những mối quan tâm. Cả 3 bệnh này đều có thể phòng ngừa bằng vaccine. Tiêm ngừa cách giúp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhầt là trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể làm tổn thương nhóm người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính.
Tiêm ngừa đúng lịch và đủ mũi chính là biện pháp phòng bệnh mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, các biện pháp vệ sinh môi trường ở xung quanh, giữ nhà cửa thông thoáng cũng có thể ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh.
Miễn dịch có được từ việc tiêm chủng lúc nhỏ sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ, Hội Y học Dự phòng Việt Nam đều đưa ra khuyến cáo người lớn và người có bệnh mạn tính nên tiêm ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván. Tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm để đảm bảo hiệu quả bảo vệ. Chủ động phòng bệnh vừa giúp bảo vệ người lớn mà còn giúp ngăn chặn nguồn lây cho những người trong gia đình. Người lớn và người có bệnh mạn tính có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn phòng ngừa.
Kim Uyên