Đứa em cùng nhà với tôi lúc nào cũng than thở rằng muốn học thêm ngoại ngữ để nâng cao cơ hội việc làm. Tôi kêu đến trung tâm, thì bảo không có thời gian, tôi gợi ý học khóa online, giá 1,2 triệu đồng một tháng thì bảo đắt quá, nên lưỡng lự.
Trong khi đó, giỏ rác ở nhà, tuần nào cũng đầy ắp ly nhựa uống cà phê, các loại nước giải khát khác. Ngày bình thường thì uống hai ly, hôm nào căng thẳng thì ba.
Một ly cà phê trung bình 25.000 đồng, mỗi ngày hai ly là 50.000 đồng, một tháng là 1,5 triệu, ba ly thì gần 2,3 triệu, chưa tính phần dôi ra vì nhiều lúc đi mấy quán đắt tiền nữa, nếu tính cả những hôm rảnh rỗi ngồi quán lâu hơn, uống thêm, gọi thêm bánh trái, thì mỗi tháng cậu dễ dàng chi hơn 3 triệu đồng cho cà phê.
Tôi mượn vấn đề này để đặt vấn đề rằng chúng ta đang chi tiền cho thứ gì? Không ai phủ nhận rằng một ly cà phê buổi sáng giúp tinh thần tỉnh táo, nhưng điều đáng nói ở đây là cách chúng ta ưu tiên chi tiêu.
Nhiều người có thể sẵn sàng chi tiền cho những khoản nhỏ lẻ nhưng liên tục, như cà phê, trà sữa, quần áo theo trend, mà lại ngần ngại khi đầu tư vào một thứ có giá trị lâu dài như kỹ năng, kiến thức.
Chi tiêu thông minh là biết đặt ưu tiên. Tiền không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Nếu mỗi tháng bạn có ngân sách 3 triệu để tiêu vặt, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh: Thay vì uống cà phê ngoài quán mỗi ngày, bạn có thể mua cà phê gói về pha, hoặc giảm bớt số lần đi quán.
Số tiền tiết kiệm được có thể dùng để đầu tư cho một kỹ năng mang lại lợi ích lâu dài. Tôi không bảo rằng phải cắt bỏ hoàn toàn cà phê, mà chỉ muốn nhắc rằng có những khoản chi tưởng nhỏ nhưng cộng lại thành số tiền không hề ít.
Nếu mỗi ngày tiết kiệm một ly cà phê, một năm bạn đã dư ra gần 10 triệu đủ để học một khóa ngoại ngữ xịn, hoặc tham gia một lớp kỹ năng nào đó có thể thay đổi tương lai.