Mười sáu năm trước, tôi sang Ireland du học. Cũng như phần lớn bạn bè thời đó, chúng tôi đi theo diện học bổng “Utachi” - tức là u nhà trả tiền.
Mẹ lúc ấy khi gửi tôi đi du học chỉ đặt ra 2 yêu cầu. Một, là nước nói tiếng Anh. Hai, là không có cộng đồng người Việt. Thế là tôi được gửi sang một quốc gia “hẻo lánh” là Ireland. Lý do: cái khu chợ Đồng Xuân của tôi thời ấy, là một đáy trũng của tệ nạn xã hội. Thanh niên dễ hư hỏng, đi theo các anh đâm chém, rồi nghiện ngập. Ngày còn trong nước, tôi cũng đã dính heroin.
Tôi sang Ireland, trải qua một cú sốc văn hóa suốt mấy tháng ròng. Buồn, lạnh, giao tiếp khó khăn, tôi hay ngồi khóc một mình. Đó là một cuộc thiền, hay phũ phàng hơn, là một cuộc cai nghiện.
Năm năm học ở Ireland, cuối cùng thứ tôi thu được không phải là kiến thức về công nghệ thông tin, mà là sự tự trưởng thành về nhận thức, biết yêu thương gia đình và trân trọng những gì mình có.
Bây giờ nghĩ lại, thời ấy mẹ tôi bỏ ra một gia sản để tôi đi, chính là một cuộc tị nạn. Nhưng không phải “tị nạn giáo dục” như mọi người bây giờ hay nói, mà là “tị nạn môi trường”.
Môi trường sống của tôi thời ấy nguy hiểm cho những đứa trẻ mới lớn. Nếu không có cuộc tị nạn đến đất nước lạnh và buồn kia, thì giờ này có lẽ tôi cũng đã như nhiều thanh niên cùng thế hệ, đã bỏ mạng vì ma túy hay đâm chém.
Từ thời của tôi đến giờ, việc đi du học đã trở nên phổ biến. Tôi nghĩ cũng có nhiều người để con đi chỉ với mong muốn được thu nhận kiến thức từ một nền giáo dục tiên tiến, hay theo cách gọi bây giờ là “tị nạn giáo dục”. Nhưng tôi cũng cho rằng vẫn có nhiều người gắng sức cho con đi, để tránh môi trường trong nước; tránh những hoang mang bất tận về ô nhiễm, về thực phẩm, về y tế, về an ninh, và tất nhiên là cả giáo dục.
Những hoang mang ngày một lớn. Sau những hoang mang về an toàn thực phẩm chưa có lời giải đã lại đến những hoài nghi về ô nhiễm môi trường. Trong những sự hoang mang ấy, có rất ít lần tôi thấy được các nhà khoa học hay nhà chức trách đứng lên để làm nhiệm vụ giải tỏa của mình. Thậm chí là ở đỉnh điểm của phong trào chống “thực phẩm bẩn” tôi cũng không nghe thấy ai đứng lên định nghĩa “bẩn” là gì và thực sự là những chất gì có khả năng gây ung thư. Hoặc trước thông tin về không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm, tôi cũng chưa nhìn thấy một ai đứng ra nhận trách nhiệm hoặc đề xuất giải pháp. Sự hoang mang cứ tiếp diễn và môi trường sống liên tục bị hoài nghi. “Tị nạn môi trường” trở thành lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh.
Tôi có những người bạn đã mua những gói bảo hiểm để đủ tiền cho con đi du học từ khi cháu còn... nằm trong bụng mẹ. Hoặc những phụ huynh quy hoạch cho con hướng du học từ khi mới vào tiểu học.
Qua thời gian, đáng ra môi trường sống phải được cải thiện. Thế hệ của con tôi phải có nhiều niềm tin hơn, phải có nhiều lý do để hưởng thụ môi trường sống tại Việt Nam hơn, bởi kinh tế của chúng ta phát triển, chất lượng sống của chúng ta đáng ra phải tăng lên.
Nhưng có vẻ như chính cách xử lý những hoài nghi từ người dân đang khiến chúng tăng lên. Trước một vấn đề của xã hội, cho dù lớn hay nhỏ, tôi thường thấy những câu trả lời chính thức được đưa ra rất chậm. Tôi thậm chí còn không biết là chất lượng sống của mình tăng lên hay giảm đi, vì chẳng ai phân tích cho tôi điều đó. Tôi cứ thấy sự hoang mang hiển hiện ở những người xung quanh.
Môi trường của những khu phố quanh chợ Đồng Xuân của tôi năm xưa đầy cạm bẫy. Nhưng chúng là cạm bẫy nhìn thấy, mẹ tôi biết chúng là gì, và có lý do để lo âu.
Môi trường của tôi bây giờ không tồi tệ như ngày ấy. Ít nhất là nhiều hiểm họa không nhìn thấy bằng mắt. Nhưng vì sao sự lo âu cho con tôi vẫn chẳng giảm bớt?
Hoàng Minh Trí