Tàu khu trục USS John S. McCain của hải quân Mỹ sáng 21/8 va chạm với tàu chở dầu Alnic MC mang cờ Liberia ngoài khơi Singapore, gần eo biển Malacca khiến 5 thủy thủ bị thương, 10 người mất tích. Cú đâm khiến tàu khu trục Mỹ thủng một lỗ lớn ở mạn trái và phải tự lết về cảng Singapore, theo Popular Mechanics.
Vụ việc diễn ra chỉ hai tháng sau khi tàu khu trục tương tự mang tên USS Fritzgerald bị tàu chở hàng đâm ở ngoài khơi Nhật Bản khiến 7 thủy thủ thiệt mạng. Những sự cố liên tiếp làm dấy lên thuyết âm mưu cho rằng chiến hạm Mỹ liên tục gặp nạn là do bị gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trong quá trình di chuyển.
Những người ủng hộ giả thuyết này cho rằng có cường quốc nào đó đã ra tay can thiệp vào hệ thống vệ tinh GPS của Mỹ, vốn được các chiến hạm và tàu thương mại Mỹ sử dụng phổ biến để định vị trên biển, cũng như đối chiếu vị trí của họ với những tàu khác. Việc đánh lừa hệ thống GPS sẽ khiến bộ thu phát tín hiệu GPS xác định sai vị trí, gây nhầm lẫn trong quá trình di chuyển và dẫn đến tai nạn.
Theo các chuyên gia quân sự, biện pháp can thiệp, phá hoại tín hiệu GPS là có thật và đã được áp dụng trên thực tế. Các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đã nhận ra sự lệ thuộc của nước này vào hệ thống GPS để phục vụ từ hoạt động dẫn đường thông thường cho tới dẫn bắn vũ khí. Điều đó thúc đẩy họ tìm ra cách gây nhiễu hoặc đánh lừa tín hiệu GPS.
Triều Tiên thường xuyên bị tố gây nhiễu tín hiệu GPS ở Hàn Quốc, can thiệp vào hoạt động dẫn đường của tàu thủy và máy bay. Trong khi đó, một số lái xe ở Moscow, Nga cho biết từng gặp vấn đề với hệ thống dẫn đường ở trung tâm thành phố, nơi đặt các trụ sở quan trọng của chính phủ. Hồi tháng 7, một số tàu hoạt động tại Biển Đen, ngoài khơi vùng Novorossiysk, Nga, khẳng định hệ thống GPS của họ ghi nhận sai vị trí, lệch 46 km so với địa điểm thực tế.
Tuy vậy, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định sự cố va chạm của tàu USS John S. McCain không hề liên quan đến việc gây nhiễu tín hiệu GPS.
Theo Mizokami, để có thể đánh lừa được hoa tiêu tàu John S. McCain, thiết bị gây nhiễu GPS sẽ phải phát ra nguồn tín hiệu đủ mạnh và rộng để tác động tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu trong khu vực. Hành động quy mô như vậy sẽ thu hút nhiều sự chú ý, không thể qua mắt hàng trăm tàu hàng đang di chuyển qua khu vực vào thời điểm đó. Thủy thủ trên các tàu hàng này chắc chắn sẽ phát hiện và báo cáo nhà chức trách nếu phát hiện ra sự sai lệch về tín hiệu GPS, tương tự vụ việc ở Biển Đen.
Xung quanh khu vực xảy ra va chạm giữa USS John S. McCain và Alnic MC cũng có nhiều hòn đảo, giúp hoa tiêu kịp thời nhận ra sự bất thường về vị trí của tàu nếu tín hiệu GPS bị gây nhiễu. Thủy thủ đoàn có thể lấy các hòn đảo này làm mốc chuẩn để đối chiếu, khắc phục sai lệch trên hệ thống định vị.
Thuyết âm mưu trên còn bỏ qua việc GPS không phải là công cụ định vị duy nhất của hải quân Mỹ. Các chiến hạm như USS John S. McCain luôn bố trí thủy thủ quan sát, phát hiện các mối đe dọa bất thường, chẳng hạn như những con tàu không phát tín hiệu nhận diện tự động đang đến gần, cùng nhiều mối nguy tiềm ẩn khác.
Mizokami cho rằng giả thuyết tàu chiến Mỹ bị gây nhiễu GPS mang tính giật gân, thu hút sự chú ý, nhưng không hề mang tính thực tế. Giả thuyết hàng đầu được các chuyên gia đặt ra hiện nay vẫn là sự tắc trách của kíp trực ban đêm, cũng như sai sót trong quá trình vận hành ở những tuyến hàng hải nhộn nhịp trên Thái Bình Dương đã gây ra những vụ va chạm đáng tiếc, ông nhận định.
Việt Hòa