Rạng sáng 26/3, tàu container Dali mất lái, đâm mạnh vào trụ cầu Francis Scott Key, khiến cả công trình bằng thép đổ sập xuống sông. Vụ tai nạn làm 6 người chết và gây gián đoạn giao thông nghiêm trọng ở thành phố Baltimore, cũng như cảng biển tấp nập gần đó.
Sau sự cố, tàu Dali bị mắc kẹt tại cầu và toàn bộ 21 thành viên thủy thủ đoàn, gồm 20 công dân Ấn Độ và một người Sri Lanka, được yêu cầu không rời khỏi con tàu container khổng lồ để phục vụ công tác điều tra.
Trong khi giới chức Mỹ điều tra để xác minh nguyên nhân va chạm, không rõ khi nào các thủy thủ có thể rời tàu. Tuần trước, một quan chức Ấn Độ cho biết các thủy thủ đều có sức khỏe ổn định.
Hiện có rất ít thông tin về thủy thủ đoàn kẹt trên tàu. Joshua Messick, lãnh đạo Trung tâm Thuyền viên Quốc tế Baltimore, tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ quyền lợi của người đi biển, cho hay đã trao đổi với các thủy thủ qua WhatsApp, mô tả họ đang lo lắng về tương lai của mình.
"Họ không nói gì nhiều với bất kỳ ai liên lạc. Đến ngày 30/3, họ mới kết nối được mạng và không thực sự biết được phản ứng của thế giới về vụ tai nạn, cũng không chắc mình có thể bị đổ lỗi hay không", ông Messick cho biết. "Tôi cho rằng công ty quản lý tàu đã khuyên họ giữ im lặng ở thời điểm hiện tại".
Ông Messick đã giúp chuyển các gói nhu yếu phẩm, trong đó có thẻ SIM, cho các thủy thủ để họ có thể liên lạc với người thân.
Tàu Dali treo cờ Singapore, thuộc sở hữu của công ty Grace Ocean Private, do hãng Synergy Marine quản lý. Tàu dài khoảng 300 m, rộng khoảng 48 m, nặng 95.000 tấn và có thể chở tối đa 130.000 tấn hàng hóa.
Trước khi xảy ra va chạm, tàu Dali khởi hành từ Baltimore để thực hiện hành trình chở hàng đến Colombo, thủ đô Sri Lanka. Các thủy thủ có đầy đủ thực phẩm, nước uống, vật tư cho hành trình này.
Giới chức Mỹ cho biết 21 thủy thủ phải hiện diện trên tàu Dali để thực hiện các nhiệm vụ bảo trì, phản ứng nhanh với bất cứ sự cố nào có thể xảy ra, do một đoạn dầm thép của cầu vẫn nằm gác ngang trên mũi tàu. Họ khó có thể rời tàu cho đến khi nó được di chuyển khỏi hiện trường, quá trình vốn rất phức tạp và có thể kéo dài.
Cuối tuần trước, phát ngôn viên Tuần duyên Mỹ Shannon Gilreath nói di chuyển tàu Dali là ưu tiên thứ yếu, sau nỗ lực mở lại cảng Baltimore và các luồng lạch ra vào cảng.
Kể cả khi không có tai nạn, thủy thủ nước ngoài xuống tàu tại cảng Mỹ vẫn cần giấy tờ. Ngoài thị thực, họ cần giấy phép lên bờ, đồng thời phải có người hộ tống từ tàu đến cổng cảng. Không rõ liệu 21 thủy thủ trên tàu Dali có đầy đủ giấy tờ cần thiết để rời tàu hay không.
Chirag Bahri, cựu thủy thủ kỳ cựu người Ấn Độ, giám đốc điều hành Mạng lưới Hỗ trợ và Phúc lợi Thuyền viên Quốc tế (ISWAN) ở Anh, dự đoán các thủy thủ sẽ mắc kẹt trên tàu vài tháng.
"Một số thủy thủ cấp thấp có thể sớm hồi hương sau vài tuần, nhưng những thủy thủ cấp cao cần ở lại tàu để hoàn thành cuộc điều tra của Mỹ", ông nói.
Có 315.000 người Ấn Độ đang làm việc trong ngành hàng hải, chiếm 20% tổng số nhân lực ngành này trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Philippines.
Ông Messick cho rằng khi đối mặt với tương lai u ám, các thủy thủ rất cần được chăm sóc tâm lý. Bahri cho hay một trong những thách thức lớn nhất khi các thủy thủ bị mắc kẹt trong thời gian dài là nỗi tẻ nhạt, buồn chán khi không làm việc cũng như tiếp xúc xã hội.
"Mọi người chỉ đang cố gắng tìm nguyên nhân vụ tai nạn, trong khi các thủy thủ cũng có thể bị đã bị tổn thương tâm lý, gặp căng thẳng. Họ vẫn ở trên con tàu khổng lồ ở một đất nước xa lạ. Cần sát cánh bên họ, khiến họ tin rằng bản thân sẽ không bị đổ lỗi trong những giờ phút khó khăn này", ông Bahri nói.
Đức Trung (Theo BBC, Times of India, Washington Post)