Không nhiều người nắm giữ kỷ lục thế giới và càng ít người giữ kỷ lục sống trên bè cứu sinh lâu nhất. Một trong số này là thủy thủ Poon Lim, người lênh đênh suốt 133 ngày trên Đại Tây Dương sau khi tàu của ông bị quân Đức đánh chìm.
Poon Lim sinh ra ở đảo Hải Nam năm 1918. Ông luôn thích đi tàu và từng đảm nhận một vị trí trên tàu Anh khi còn nhỏ. Tuy nhiên, việc bị đối xử tàn tệ khi đó khiến ông tự nhủ sẽ không bao giờ lên một tàu nào khác.
Năm 1941, hai năm sau khi Thế chiến II bùng phát, hải quân Anh thiếu hụt quân số trầm trọng sau khi nhiều thủy thủ thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc đụng độ với tàu chiến Đức. Điều này buộc họ tuyển mộ thủy thủ phụ tá từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với các đồng nghiệp Anh, những người này hầu như không được huấn luyện hoặc có cơ hội thăng tiến.
Thời điểm đó, Lim đang học lấy bằng kỹ sư ở Hong Kong. Khi nghe một người họ hàng đề cập việc hải quân Anh tuyển thủy thủ, ông khá do dự nhưng vẫn quyết định đăng ký, chủ yếu do Nhật Bản xâm lược Trung Quốc trong chiến tranh.
Ngày 10/11/1942, Poon Lim lên tàu buôn vũ trang SS Benlomond với vai trò nhân viên phụ bếp. Tàu di chuyển từ Cape Town, Nam Phi, đến thị trấn ven biển Paramaribo của Brazil với thủy thủ đoàn 54 người. Nó không được hộ tống và di chuyển tương đối chậm dù được trang bị vũ khí.
13 ngày sau, SS Benlonmond bị tàu ngầm U-172 của Đức phát hiện ở khu vực cách Belem, Brazil, khoảng 1.207 km về phía đông. Đây là điều chưa từng có vì địa điểm này nằm ngoài khu vực chiến đấu của các tàu chiến châu Âu.
Tàu ngầm Đức phóng hai quả ngư lôi, đánh chìm SS Benlonmond chỉ trong hai phút. Poon Lim rơi xuống lòng biển cùng đa số thủy thủ đoàn, nhưng cố gắng ngoi lên mặt nước. Ông phát hiện 5 thành viên thủy thủ đoàn trên một xuồng cứu sinh. Ngay khi Lim bơi về đó thì tàu ngầm Đức nổi lên và bắt các thủy thủ, dường như để thẩm vấn.
5 thủy thủ sau đó được cho trở lại xuồng. Tuy nhiên, trước khi Lim bơi đến chỗ họ, tàu ngầm Đức lặn xuống khiến mặt biển khuấy động mạnh. Khi mọi thứ lắng xuống, cả chiếc xuồng và những người trên đó đều mất tích.
Sau hai tiếng bơi trong dầu và mảnh vỡ trôi dạt, Poon Lim bắt gặp một chiếc bè cứu sinh trôi nổi. Chiếc bè dài 8m với đồ dùng hạn chế gồm một bình nước 40 lít, một vài hộp bánh quy, một đèn pin, hai nồi tạo khói, một túi đường, một ít chocolate và pháo sáng.
Khi hết lương thực, Lim phải tìm mọi cách để duy trì sự sống. Ngoài hứng nước mưa để uống, ông dùng dây điện từ đèn pin làm móc câu để bắt cá. Một chiếc đinh được dùng để bắt những con cá lớn hơn. Sau khi bắt được cá, ông mổ chúng bằng dao làm từ hộp bánh quy và treo lên phơi khô. Khi không bắt được cá và tình hình trở nên tuyệt vọng, ông quay bẫy và ăn thịt chim hải âu.
Lim còn buộc dây thừng trên bè vào cổ tay đề phòng trường hợp bị ngã xuống biển chết đuối.
Trong quá trình lênh đênh trên Đại Tây Dương, Poon Lim được một số tàu đi qua phát hiện nhưng không ai giải cứu ông. Một tàu hàng thấy ông nhưng bỏ qua, có thể do thủy thủ đoàn tưởng Lim là người Nhật hoặc cho rằng đó là âm mưu của phát xít Đức. Một phi đội thủy phi cơ Mỹ trông thấy ông và thả thiết bị đánh dấu xuống biển, nhưng một cơn bão đã cuốn ông trôi khỏi vị trí đó.
Thủy thủ trên một tàu ngầm Đức cũng phát hiện Lim nhưng không hành động.
Ông chỉ được ngư dân phát hiện khi bè trôi dạt vào gần bờ biển Brazil. Lim đợi 4 tuần để chờ lãnh sự quán Anh thu xếp đưa về nước.
Khi trở về Anh, Lim được vua George VI trao Huân chương Đế chế Anh. Kinh nghiệm sống sót trên biển của ông được viết thành sổ tay hướng dẫn sinh tồn cho hải quân Anh, cũng như xuất hiện trong bộ phim tuyên truyền của Bộ Thông tin Anh.
Sau chiến tranh, Lim di cư đến Mỹ. Ông trở thành công dân Mỹ và sống cùng vợ ở New York đến khi qua đời tháng 1/1991 ở tuổi 72.
Duy Sơn (Theo WATM)