Văn phòng Mua sắm Quốc phòng Thụy Sĩ (Armasuisse) hồi đầu tháng 8 cho biết ba bài dự thi hay nhất sẽ chia nhau giải thưởng trị giá khoảng 57.800 USD. Cuộc thi sẽ diễn ra tới đầu tháng 2/2025 và Armasuisse dự kiến công bố người chiến thắng sau đó hai tháng.
"Với cuộc thi tìm ý tưởng, Armasuisse muốn thu hút ngày càng nhiều giới chuyên gia và đại diện ngành công nghiệp tham gia xây dựng cách trục vớt đạn pháo nằm dưới hồ sâu một cách an toàn, thân thiện với môi trường", cơ quan này thông báo và cho biết hoạt động trục vớt sẽ diễn ra nếu đạn pháo làm ô nhiễm nước hồ.
Ý tưởng giành chiến thắng có thể không được triển khai ngay lập tức, song sẽ trở thành cơ sở cho nghiên cứu trong tương lai để giải quyết vấn đề trục vớt đạn pháo.
Thụy Sĩ từng đổ đạn pháo dư thừa, hỏng hoặc lỗi thời xuống hồ Thun, Brienz và Lucerne từ năm 1918 đến năm 1964. Số đạn pháo này nằm ở độ sâu 150-220 m, Armasuisse cho biết.
Theo Armasuisse, đánh giá về các phương án trục vớt đạn khả thi vào năm 2005 cho thấy "tất cả giải pháp trục vớt ở thời điểm hiện tại sẽ khuấy đảo bùn trên quy mô lớn, gây rủi ro cao cho hệ sinh thái nhạy cảm của các hồ".
Thách thức mà các bên đối mặt khi trục vớt đạn pháo dưới hồ ở Thụy Sĩ là tầm nhìn kém, độ sâu của hồ, dòng chảy, nguy cơ đạn phát nổ. Ngoài ra, thách thức còn đến từ tình trạng, kích thước và trọng lượng của đạn, trong đó một số quả nặng tới 50 kg.
Một số quả dạn làm bằng đồng, đồng thau hoặc nhôm, các loại vật liệu không nhiễm từ, theo Armasuisse. Điều này có thể khiến các bên khó tìm thấy chúng bằng máy dò kim loại. "Tất cả yếu tố này cho thấy thách thức lớn mà phương án trục vớt đạn pháo thân thiện với môi trường phải đối mặt", Armasuisse cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên Thụy Sĩ phải giải quyết vấn đề đạn dược cũ tại nước này.
Dân làng Mitholz, miền trung Thụy Sĩ năm 2020 phải chuyển đi nơi khác khi giới chức xử lý 3.500 tấn thuốc nổ cất tại kho trong khu vực. Năm 1947, khoảng 7.000 tấn thuốc nổ cất trữ tại đây phát nổ, khiến 9 người thiệt mạng và gây thiệt hại lớn cho làng Mitholz.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)