Thủy quân lục chiến Mỹ muốn sở hữu tên lửa chống hạm để phòng thủ giữ đảo và gây thiệt hại cho chiến hạm đối phương trong kịch bản bị cô lập trên một hòn đảo tại khu vực Biển Đông hoặc Biển Baltic, Breaking Defense ngày 17/1 đưa tin.
Các chỉ huy thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng trong trường hợp phải chiến đấu giữ đảo, lực lượng này có thể hứng chịu thương vong lớn do hỏa lực từ các chiến hạm hiện đại của đối phương, do đó họ cần có hỏa lực đủ mạnh để sớm vô hiệu hóa chúng.
Hệ thống tên lửa chống hạm tương lai của thủy quân lục chiến Mỹ có tên Nemesis, gồm tổ hợp tên lửa chống hạm đặt trên khung xe tải. Nemesis sẽ thực hiện nhiệm vụ phong tỏa khu vực bờ biển, ngăn chiến hạm đối phương tiếp cận đảo tới khi quân tiếp viện đến nơi.
Chương trình phát triển tổ hợp Nemesis được gấp rút tiến hành và đã xong giai đoạn thiết kế. Thủy quân lục chiến Mỹ đang cân nhắc lựa chọn tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C LRASM của Lockheed Martin, tên lửa chống hạm Lockheed/Kongsberg NSM hoặc tên lửa chống hạm Harpoon của Boeing để trang bị cho hệ thống này.
Nguyên mẫu thử nghiệm sẽ được chế tạo vào tháng 3, giai đoạn thử nghiệm sẽ diễn ra vào năm 2020. Sau khi hoàn tất thử nghiệm, thủy quân lục chiến sẽ đưa tổ hợp tên lửa chống hạm mới vào biên chế.
Các tổ hợp tên lửa chống hạm có vai trò quan trọng với thủy quân lục chiến Mỹ theo học thuyết chiến tranh tương lai, trong đó lực lượng này sẽ thiết lập chuỗi tiền đồn trên các đảo nhỏ với nhiệm vụ tiêu diệt máy bay và chiến hạm đối phương.
Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã thử nghiệm khai hỏa tổ hợp pháo phản lực/tên lửa M142 HIMARS trên boong tàu đổ bộ USS Essex trong cuộc tập trận Dawn Blitz năm 2017. Đây là lần đầu tiên tổ hợp HIMARS khai hỏa trên boong một chiến hạm của thủy quân lục chiến Mỹ.
Nguyễn Tiến