Cuộc chiến giữa hải quân Mỹ và phát xít Nhật trên chiến trường Thái Bình Dương trong Thế chiến II diễn ra rất ác liệt, do hai bên đều sở hữu vũ khí có uy lực tương đương. Tuy nhiên, quân Đồng minh giành được lợi thế quan trọng nhờ mẫu thủy phi cơ có biệt danh "Mèo đen", loại vũ khí từng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho hải quân Nhật, theo WATM.
"Mèo đen" là phiên bản cải tiến của PBY-5A Catalina, dòng máy bay tuần thám biển từng được kiểm chứng năng lực khi kịp thời phát hiện thiết giáp hạm Bismarck của Đức, giúp tàu sân bay HMS Ark Royal tấn công làm nó thiệt hại nặng hồi tháng 5/1941.
Trước Thế chiến II, hải quân Mỹ lựa chọn thủy phi cơ PBY -5A Catalina của hãng Consolidated Aircraft để tuần tra các vùng biển rộng lớn ở Thái Bình Dương.
Lợi thế lớn của Catalina là khả năng hoạt động tầm xa trên 4.800 km, cũng như có thể mang theo hai ngư lôi hoặc 1.814 kg bom. Trong trận hải chiến Midway, thủy phi cơ PBY-5 từng phóng ngư lôi trúng mạn tàu tiếp liệu Akebono Maru của Nhật. Tuy nhiên, tốc độ thấp, vũ khí tự vệ chỉ gồm 5 súng máy 7,62 mm và 12,7 mm khiến phi cơ này dễ trở thành mục tiêu của tiêm kích Zero Nhật.
Điều đó buộc Mỹ triển khai mẫu PBY-5A Catalina thực hiện nhiệm vụ vào ban đêm, giúp tăng khả năng sống sót. Các máy bay đều được sơn màu đen để lẫn vào bóng đêm, khiến chúng mang biệt danh "Mèo đen". Trong chiến dịch Guadalcanal, chiếc PBY-5A đầu tiên mang trang bị radar được triển khai. Trong chiến dịch này, Mèo đen được coi là vũ khí thay đổi hoàn toàn cuộc chơi.
Máy bay này thực hiện hầu hết mọi nhiệm vụ. Chúng có thể mang bom hẹn giờ để nhấn chìm và gây thiệt hại cho tàu đối phương, hoặc tấn công sân bay, mang ngư lôi, dẫn bắn pháo hải quân. Bên cạnh đó, PBY-5A cũng có thể làm chức năng phát hiện, cảnh báo sớm về tàu chiến đối phương.
Ngoài việc sơn đen, thủy phi cơ này còn được lắp các tấm che lửa ở sau ống xả, khiến đối phương không thể phát hiện chúng trong bóng đêm. Nếu bị phát hiện, phi công sẽ bay xuống tầm cực thấp, khiến tiêm kích Nhật đối mặt nguy cơ đâm xuống biển khi truy kích.
Chiến thuật này có tác dụng nhờ việc PBY-5A được trang bị radar đo cao, cho phép chúng giữ độ cao 15 m trên đường bay dài 160 km. Tốc độ thấp cũng là lợi thế của "Mèo đen" trong các cuộc tấn công ban đêm, khi mục tiêu khó phát hiện hơn nhiều so với ban ngày.
Mẫu PBY-5A được sử dụng sau Thế chiến II
Thủy phi cơ Mèo đen thường cất cánh từ tàu hậu cần, đường băng thô sơ hoặc các khu rừng nhiệt đới như Espiritu Santo và Guadalcanal. Các phi cơ này gieo rắc sợ hãi vào chiến dịch chuyển quân của Nhật Bản, bằng cách tập kích trong đêm bằng bom và súng máy gắn trên tháp pháo ở thân và mũi.
Một trong những nhiệm vụ táo bạo nhất của Mèo đen là trận tập kích cảng Tonelei, tây bắc đảo Guadalcanal tháng 10/1942.
Sau khi nhận tin tình báo về việc nhiều tàu Nhật tập kết ở cảng Tonelei, chập tối ngày 22/10, ba thủy phi cơ PBY-5A của Phi đội tuần tra số 11 (VP-11) trang bị ngư lôi cất cánh từ Espiritu Santo. Mỗi máy bay mang theo hai quả bom 226 kg dưới cánh, trước khi xâm nhập sâu lãnh thổ địch trong hành trình dài 1.448 km.
"Đêm đó trăng sáng, để tránh bị phát hiện, trong 241 km cuối cùng, chúng tôi phải bay sát nhau ở độ cao trên 6 m so với mặt biển. Chúng tôi bay đến cảng mà không bị phát hiện, sau đó tách ra tìm mục tiêu riêng, sử dụng bom và ngư lôi tấn công khu trục hạm và tuần dương hạm neo đậu ở khu vực trống trải", trung úy George F. "Blackie" Poulos, người tham gia trận đánh, hồi tưởng.
Quân Nhật Bản không thể ngờ những máy bay Mỹ lại xâm nhập sâu trong đêm từ hướng bắc.
"Việc chúng tôi bay lòng vòng ở độ cao ngang boong khi thoát ly khiến quân Nhật phải hạ thấp nòng pháo để khai hỏa. Tôi chắc chắn điều này khiến họ bắn vào nhau", trung úy Whiskey Willis, người cũng tham gia trận tập kích nhớ lại. Cả ba máy bay sau đó trở về hạ cánh an toàn xuống đảo Tulagi.
Chiến dịch tập kích ban đêm của các thủy phi cơ Mèo đen tỏ ra rất hiệu quả. Riêng Phi đội tuần tra số 52 (VP-52) từ tháng 10/1943-6/1944 đã phá hủy 16 tàu chiến Nhật. Họ tiếp tục hoạt động trinh sát, tuần tra, vận tải, cứu hộ, ném bom bổ nhào, thả thủy lôi và tấn công ngư lôi cho đến khi kết thúc chiến tranh vào tháng 8/1945.
Đến năm 1945, có tất cả 3.290 chiếc PBY-5 được sản xuất và trang bị cho các đồng minh của Mỹ. Anh nhận khoảng 578 chiếc sau chiến tranh. Nga và Canada sau đó cũng được cấp phép sản xuất, giúp chúng trở thành loại thủy phi cơ được sản xuất nhiều nhất trên thế giới. Tới năm 2014, vẫn còn nhiều chiếc PBY-5A phục vụ trong vai trò máy bay chữa cháy.
Duy Sơn