"Công tố viên trưởng Krister Petersson sẽ công bố quyết định của ông ấy vào ngày 10/6, đồng thời phát biểu về vụ án cùng Hans Melander, người đứng đầu cuộc điều tra", cơ quan công tố Thụy Điển cho biết trong một tuyên bố hôm nay.
Cố thủ tướng Palme, 59 tuổi, bị ám sát vào ngày 28/2/1986 sau khi rời một rạp chiếu phim ở thủ đô Stockholm. Tối đó, ông đi bộ trở về nhà cùng vợ Lisbet và quyết định cho đội vệ sĩ về nghỉ. Một kẻ tấn công sau đó bắn vào lưng Palme rồi bỏ chạy, khiến ông tử vong bên lề đường.

Cố thủ tướng Thụy Điển Olof Palme hồi năm 1984. Ảnh: Reuters.
Trong những năm qua, hơn 130 người đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ ám sát. Hồ sơ vụ án xếp dài 250 m trên kệ. Tuy nhiên, sau khi thẩm vấn tới hơn 10.000 người, giới chức Thụy Điển vẫn chưa tìm ra bất cứ nghi phạm nào.
Christer Pettersson, một kẻ nghiện ma túy thường phạm tội vặt, bị kết tội giết Palme vào tháng 7/1989, sau khi bị vợ của cố thủ tướng nhận diện. Tuy nhiên, vài tháng sau, người đàn ông này được trả tự do, khi một tòa phúc thẩm bác bỏ lời khai của bà Lisbet. Pettersson chết hồi năm 2004. Vợ của Palme cũng qua đời hai năm trước.
Các điều tra viên còn từng hướng nghi ngờ về phía Đảng Công nhân người Kurd, nhóm vũ trang bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố, thậm chí cả quân đội và cảnh sát Thụy Điển hay cơ quan mật vụ Nam Phi, nhưng đều chưa tìm ra bằng chứng.
Giới chuyên gia và báo giới Thụy Điển gần đây cho rằng kịch bản có khả năng nhất với vụ án là khép lại cuộc điều tra, bởi những nghi phạm chính được đồn đoán trên truyền thông đều đã chết.
Cố thủ tướng Palme từng kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, ủng hộ chính phủ Cuba và Nicaragua, đồng thời lên tiếng chống lại nạn phân biệt chủng tộc và chạy đua vũ khí hạt nhân. Vụ ám sát Palme đã khiến Thụy Điển, quốc gia nổi tiếng an toàn và yên bình, bị sốc và bàng hoàng.
Ánh Ngọc (Theo AFP)