Bà Anna Hogberg theo chồng, đại sứ Thụy Điển, đến Việt Nam cách đây hơn hai năm. Là một cô giáo dạy thanh nhạc kiêm ca sĩ, người phụ nữ Thụy Điển này không khó phát hiện ra một điều: ban nhạc ABBA đặc biệt được yêu thích ở đất nước Đông Nam Á này. "Tôi lớn lên cùng với âm nhạc của ABBA. Và khi đến Việt Nam, tôi có cảm giác như được sống lại tuổi thơ của mình", bà Anna Hogberg nói với VnExpress tại buổi họp báo hôm 11/1 đánh dấu 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
50 năm trước khi cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam đang ở giai đoạn đỉnh điểm, Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam. Chính trị gia Olof Palme, người sau này trở thành thủ tướng của Thụy Điển, dẫn đầu cuộc rước đuốc tuần hành chống chiến tranh Việt Nam trên đường phố Stockholm vào năm 1968. Hơn 2,7 triệu người dân, tương đương 1/3 dân số Thụy Điển lúc bấy giờ, đã ký đơn lên án cuộc chiến tranh tại Việt Nam và kêu gọi chấm dứt các vụ ném bom giết hại dân thường.
Từ 1969, Thụy Điển bắt đầu hỗ trợ phát triển cho Việt Nam. Trong suốt 46 năm, đất nước Bắc Âu này đã viện trợ hơn 4 tỷ USD tính theo thời giá hiện tại. Thụy Điển là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai của Việt Nam trong thập niên 70, lớn nhất trong thập niên 80 và lớn thứ tư trong thập niên 90. Các dự án như nhà máy giấy Bãi Bằng và Bệnh viên Nhi Trung ương trở thành biểu tượng hợp tác song phương giữa hai nước. "Thụy Điển đã chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, giúp hàng triệu người dân thoát khỏi đói nghèo", đại sứ Pereric Hogberg phát biểu. "Chúng tôi rất tự hào về điều đó!"
Sau khi Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, Thụy Điển đã dừng các chương trình viện trợ từ năm 2013. Quan hệ hai nước hiện đã bước sang một giai đoạn mới dựa trên nền tảng đối tác bình đẳng. "Thương mại hai chiều hiện hơn 1 tỷ USD mỗi năm và còn có tiềm năng tăng mạnh trong thời gian tới", đại sứ Pereric Hogberg nói. "Một số các tập đoàn quốc gia lớn nhất và thành công nhất của Thụy Điển Ericsson, H&M, IKEA, Tetra Pak và Electrolux đang kinh doanh ở Việt Nam".
Đại sứ Pereric Hogberg nhận thấy Việt Nam và Thụy Điển có điểm chung, đều là quốc gia nhỏ nằm ven biển và phụ thuộc vào các mối quan hệ song phương và đa phương để phát triển. "Nhiều người quên rằng Thụy Điển từng là một trong những nước nghèo nhất ở châu Âu. Thụy Điển, giống Việt Nam, đã nhận ra rằng thương mại, mở cửa với phần còn lại của thế giới là chìa khóa dẫn đến thịnh vượng", đại sứ tin tưởng vào Việt Nam như là một đối tác mạnh của Thụy Điển.
Nhìn lại lịch sử, sau chiến tranh, Việt Nam là một quốc gia nghèo vật lộn với công cuộc tái thiết trong hoàn cảnh bị quốc tế cô lập và cấm vận. Cựu đại sứ Thụy Điển cuối những năm 1980, ông Börje Ljunggren, nhớ lại: "Việt Nam lúc đó rất khác bây giờ. Đường phố tối tăm, rất ít quán ăn và các tòa nhà lớn. Đất nước chưa mở cửa chào đón các giá trị, văn hóa phương Tây", người đàn ông ngoài 70 tuổi chia sẻ. "Nhưng tôi để ý nhạc của ABBA lại cực kỳ phổ biến ở Hà Nội. Tôi nghĩ Thụy Điển có một vị trí đặc biệt, là một người bạn đặc biệt với đất nước này".
Hiện nay giới trẻ Việt Nam không còn nghe nhạc ABBA nữa nhưng bài hát kinh điển "Happy New Year" (Chúc mừng năm mới) của ban nhạc Thụy Điển vẫn vang lên vào dịp Tết Nguyên đán, từ trong các ngôi nhà đến đài phát thanh hay truyền hình. "Mỗi lần nghe bài hát đó, tôi cảm thấy ngay không khí rộn ràng của mùa xuân", bà Vũ Thị Xuân, một tiểu thương sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cho biết. Năm nay đã gần 70 tuổi, người phụ nữ này vẫn không khỏi bồi hồi khi nhớ đến ban nhạc Thụy Điển với những giai điệu quen thuộc đã theo bà từ tuổi thanh xuân. "Dù nói thật, tôi không hiểu lời của bài hát này đâu".
Ngày nay khi tiếng Anh đã trở nên phổ biến, người ta bắt đầu để ý lời của bài hát Happy New Year của nhóm ABBA mang nét ảm đạm và u buồn, thậm chí có ý kiến cho rằng nó không thích hợp với Tết cổ truyền Việt Nam. "Không còn rượu sâm panh/ Và pháo hoa cũng cũng tắt rồi/ Chúng ta đây, tôi và bạn/ Cảm thấy thất bại và buồn chán".
Tuy nhiên, bà phu nhân đại sứ Anna Hogberg cho rằng cuộc sống luôn có hai mặt. "Chỉ khi trải nghiệm những điều không vui, ta mới biết trân quý những phút giây hạnh phúc", người phụ nữ với mái tóc ngắn vàng óng, cười nói. "Hơn thế nữa, truyền thống không phải là thứ dễ thay đổi, đôi khi còn không thể thay đổi". Như tình bạn nửa thế kỷ giữa Việt Nam và Thụy Điển theo cách nói của đại sứ Pereric Högberg, là "Yêu nhau vạn sự chẳng nề/ Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa".
Hạnh Phạm