Công ty khai khoáng LKAB ở Kiruna, miền bắc Thụy Điển, ngày 13/1 thông báo họ đã tìm thấy mỏ đất hiếm với trữ lượng hơn một triệu tấn. Đây có thể là mỏ đất hiếm với quy mô lớn nhất từ trước tới nay được phát hiện tại châu Âu.
Jan Mostrom, giám đốc điều hành LKAB, nhận định phát hiện trên là tin tốt cho công ty, địa phương và người dân Thụy Điển, cũng như cho cả châu Âu. Tuy nhiên, ông Mostrom nhận định quá trình khai thác mỏ đất hiếm này còn dài khi LKAB cần xin giấy phép và mất vài năm thăm dò để tìm hiểu toàn bộ quy mô mỏ đất hiếm.
"Khi xem xét các quy trình cấp phép khác trong ngành của chúng tôi, sẽ phải mất ít nhất 10-15 năm trước khi chúng tôi thực sự có thể bắt đầu khai thác và cung cấp nguyên liệu thô cho thị trường", ông Mostrom nói.
Phát hiện này có thể mở đường cho các nguyên tố đất hiếm bắt đầu được khai thác ở châu Âu, trong bối cảnh khu vực này hiện phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu từ thị trường mà Trung Quốc đóng vai trò chủ yếu.
Theo báo cáo năm 2020, Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu 99% lượng đất hiếm từ Trung Quốc. EU xác định việc khai thác đất hiểm ở nơi khác gần hơn là mục tiêu chính của khối.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong bài phát biểu về tình hình liên minh năm 2022 cho biết các nguyên tố đất hiếm sẽ "sớm quan trọng hơn dầu mỏ và khí đốt". EU dự đoán nhu cầu đất hiếm sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030.
Đất hiếm được sử dụng trong sản xuất ôtô điện và tua bin gió cũng như nam châm, kính cường lực, loa và nhiều thiết bị điện tử khác.
Ngọc Ánh (Theo CNBC)