Bộ trưởng Tài Chính Magdalena Andersson được quốc hội Thụy Điển bầu làm Thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu hôm nay. Thủ tướng Andersson sẽ lập chính phủ thiểu số chỉ gồm các thành viên đảng Dân chủ Xã hội của bà sau khi nhậm chức.
Andersson hôm 24/11 trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển sau khi được quốc hội bầu, nhưng đảng Dân chủ Xã hội phải liên minh với đảng Xanh để thành lập chính phủ do không đạt đa số phiếu ủng hộ tại quốc hội.
Andersson tuyên bố từ chức chỉ sau 7 giờ cầm quyền do dự luật ngân sách của bà không được quốc hội thông qua, động thái được coi là bàn đạp để bà tái đắc cử và thành lập chính phủ thiểu số.
Quốc hội Thụy Điển quyết định tiến hành cuộc bỏ phiếu thứ hai sau khi Chủ tịch Quốc hội Andreas Norlen tham vấn ý kiến của lãnh đạo 8 đảng và một lần nữa đề cử bà Andersson vào ghế thủ tướng.
Sinh ra tại thành phố Uppsala, nơi có trường đại học cùng tên tồn tại từ thế kỷ XV, Andersson là con gái duy nhất của một giáo sư đại học và một giáo viên. Tên tuổi bà lần đầu tiên được biết đến không phải trên sân khấu chính trị mà là ở đấu trường thể thao. Andersson hai lần giành huy chương vàng giải bơi lội trẻ quốc gia của Thụy Điển.
Andersson từng theo học tại Trường Kinh tế Stockholm và có thời gian ngắn học tại Harvard. Bà đã tích cực hoạt động trong đảng Dân chủ Xã hội từ sớm, tham gia liên đoàn thanh niên của đảng này ở tuổi 16. Năm 1996, bà trở thành trợ lý cho Thủ tướng Goran Persson.
Trong giới chính trị, bà nổi tiếng là người bộc trực và thẳng thắn. Một chương trình truyền hình gần đây gọi bà với biệt danh "máy ủi". Được đánh giá là rất có năng lực trong 7 năm giữ ghế bộ trưởng tài chính, Andersson nổi tiếng với câu khẩu hiệu "Thụy Điển có thể làm tốt hơn".
Bà tạo dựng được tên tuổi ở châu Âu vì ủng hộ những hạn chế tài khóa khi Thụy Điển cùng Áo, Đan Mạch và Hà Lan, với tư cách là "bộ tứ tiết kiệm", vận động cho một kế hoạch phục hồi của EU hậu Covid-19 "thắt lưng buộc bụng" hơn.
Andersson đặt ra ba ưu tiên khi trở thành lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội, gồm giải quyết các băng nhóm tội phạm, cải cách phúc lợi nhà nước và đối phó biến đổi khí hậu.
Andersson muốn Thụy Điển làm gương bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Bà cũng cho rằng chính phủ phải giải quyết các vấn đề xã hội từ gốc rễ mới có thể xử lý bạo lực băng đảng, trong khi hệ thống y tế và phúc lợi của Thụy Điển cần được cải thiện hơn nữa bằng đầu tư công thay vì chỉ dựa vào tư nhân.
Vũ Anh (Theo Reuters)