Họa sĩ Trần Bội Tuyền - người Đài Loan, vợ anh Bùi Tiến Phúc - biểu diễn kỹ thuật thủy ấn họa từ dễ đến khó, hướng dẫn học viên thực hành tạo họa tiết trên tranh.
Theo họa sĩ, thủy ấn họa là phương pháp thiết kế hoa văn trên bề mặt nước bằng thuốc nhuộm, dung dịch lỏng hay màu nước. Người thực hiện lấy cọ vẽ thả màu vào chất lỏng, di chuyển nhẹ nhàng để tạo độ lan cho màu sắc. Hoa văn được tạo ra khi màu mực nổi lên mặt nước, sau đó in lên bề mặt của chất liệu thấm nước như giấy hoặc vải, rồi hong khô. Mỗi bản in đều là những tác phẩm không lặp lại về hình ảnh.
Anh Phúc cho biết: "Tôi học nghề ở Đài Loan, vợ tôi học ở Mỹ. Vì thế, có lẽ tác phẩm của chúng tôi có sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Chúng tôi sử dụng giấy của phương Đông và màu sắc của phương Tây để tạo sản phẩm".
Anh Phúc nói kỹ thuật thủy ấn họa không quá khó với người mới bắt đầu. Nguyên liệu để tạo ra thành phẩm bằng phương pháp này bao gồm: nước, giấy, keo, màu nước... Người mới học chỉ cần dùng nguyên liệu giá rẻ, thực tập tạo hình từ những họa tiết đơn giản.
Theo anh Phúc, kỹ thuật thủy ấn họa bắt nguồn từ Trung Quốc, sau đó truyền sang Hàn Quốc. Kỹ thuật này phát triển mạnh ở Nhật Bản, được đổi mới ở Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 15 và trở thành trào lưu khi truyền sang các nước Tây Âu thế kỷ 16. Còn trang Bookstellyouwhy cho biết: "Thủy ấn họa có lịch sử lâu đời, tuy nhiên không ai rõ thời điểm cụ thể. Nhiều nhà sử học còn cho rằng kỹ thuật này xuất hiện và phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 10 ở Nhật Bản".
Anh Phúc cùng vợ nghiên cứu về thủy ấn họa và ứng dụng tại Việt Nam từ năm 2018 đến. Anh nói: "Thư viện Huệ Quang ở Sài Gòn đã ứng dụng thủy ấn họa để in trên sách của thư viện. Tuy nhiên, kỹ thuật này chưa phổ biến. Qua workshop, tôi hy vọng nhiều người sẽ biết thêm để sau này có thể lập cộng đồng những người đam mê loại hình này". Anh cho biết năm tới mở triển lãm, trưng bày 80 bức thủy ấn họa do anh cùng vợ chế tác.
Nguyễn Đức Thịnh, 30 tuổi, TP HCM đến workshop vì yêu thích nghệ thuật đóng sách thủ công. "Theo tôi, kỹ thuật thủy ấn họa dễ ở khâu chuẩn bị nguyên liệu, tiếp cận ban đầu nhưng khó ở bước tạo hình, phối màu. Tự tạo ra bức thủy ấn của riêng mình là trải nghiệm vô cùng thú vị", anh nói.
*Một số họa tiết tạo bằng kỹ thuật thủy ấn họa
Bùi Tiến Phúc sinh năm 1989, tốt nghiệp cử nhân ngành Hán Nôm Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Anh du học Đài Loan năm 2014 với hướng nghiên cứu tu bổ, phục chế hiện vật chất liệu giấy và tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Đại học Fo Guang. Họa sĩ Trần Bội Tuyền, sinh năm 1991, tốt nghiệp cử nhân Học viện Mỹ thuật SAIC, Mỹ. Năm 2016 đến 2019, chị học ngành Tu bổ hiện vật chất liệu giấy tại trường Giáo dục nghệ thuật Đài Loan.
Anh chị quen nhau năm 2017 tại Đài Loan. Năm 2020, chị theo anh về Việt Nam, kết hôn và cùng sáng lập Hán Nôm Đường - trung tâm tu bổ và phục chế sách, tranh cổ tại TP HCM. Tại đây, phương pháp thủy ấn họa được sử dụng trong khâu tạo hình, làm mới bìa sách, gáy sách... theo yêu cầu khách hàng. Trước workshop "Thủy ấn họa", Hán Nôm Đường từng hợp tác với Đông A Books tạo ra ấn phẩm sách đặc biệt bằng kỹ thuật này như tờ gác sách của cuốn Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (2020), bụng sách cuốn Đông Dương xinh đẹp và kỳ vỹ (2021).
Thu Thảo - Thanh Tuyền