Dưới ánh đèn neon trong căn phòng rộng chừng 30m2 ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, Tiến Phúc đang căng mắt vá lại những lỗ thủng trên một trang sách Hán – Nôm. Thi thoảng, anh dùng nhíp, gắp ra một vụn rơm mỏng bằng sợi tóc. Cuốn sách có tuổi đời hơn 70 năm này có giấy được làm từ rơm, qua thời gian đã bị mốc, mục rách, chủ nhân cuốn sách muốn Phúc tu bổ để lưu giữ được lâu hơn.
"Bây giờ có nhiều cách để lưu giữ nội dung trong những tư liệu xưa như scan, chụp hình, photo... Nhưng với những gì còn lại trên tư liệu gốc, nếu không giữ thì sẽ mất luôn những gì còn sót lại đó", Tiến Phúc, chàng trai quê Bình Thuận nói.
Vốn là một sinh viên Hán Nôm, nên từ năm thứ hai ở đại học, Phúc đã được đi thực tế ở những ngôi đình xưa. Ấn tượng sâu sắc nhất của cậu sinh viên trẻ thời đó là mỗi khi sinh viên muốn chụp hình những sắc phong để làm tư liệu, các cụ già có nhiệm vụ coi sóc đình phải họp nhau lại, bày một mâm cúng nhỏ lên bàn thờ, thắp hương "thỉnh" sắc phong xuống. Hình ảnh những cụ già lom khom, quần áo chỉnh tề hai tay cầm tấm sắc phong trang trọng khiến Phúc xúc động: "Khi được chạm tay vào mình có cảm giác như vừa đào được kho báu", Phúc kể.
Chứng kiến những tư liệu, cuốn sách cổ bị mối mọt ăn, rách nát, Phúc nghĩ phải có cách nào đó để cứu chúng, cũng là cứu những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Sau khi ra trường, Phúc có hai năm làm tại Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, TP HCM. Ở đây, anh được tham gia phục hồi những tư liệu gốc để nghiên cứu. Việc đọc được cổ văn, hiểu được nội dung khiến anh càng quý những giá trị của chúng và muốn gắn bó hơn nữa với việc phục hồi tư liệu cổ.
Lúc này, ở Việt Nam chưa có ngành dạy tu bổ sách, những gì Phúc được học đều dựa trên kinh nghiệm của người đi trước. Muốn học một cách bài bản để làm tốt hơn, năm 2014, Phúc quyết định xin học bổng làm nghiên cứu sinh trường Đại học Fo Guang, Đài Loan, ngành Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Học bổng toàn phần của anh ở Đài Loan chỉ hai năm. Phúc có thêm hai tháng thực tập ở Bệnh viện Sách Đài Loan ngắn ngủi, chưa nhiều trải nghiệm với nghề nên anh quyết định ở lại, vừa học vừa làm cùng với một người thầy của mình. Không có tiền, anh xin ở miễn phí trong một ngôi chùa Việt Nam, kiếm thêm tiền ăn trưa, đi lại và mua sách bằng việc phiên dịch cho những xưởng lao động có công nhân Việt.
Tháng 12/2019, Phúc về Việt Nam để thực hiện ước mơ trở thành một bác sĩ sách chuyên nghiệp. "Một bác sĩ được học nghề, được cấp bằng", anh nói.
Anh xem nghề này là "bác sĩ chữa bệnh" cho sách, bởi phải chẩn đoán tình trạng bệnh, giải thể để xem tình trạng bên trong rồi bắt đầu chữa. Chưa kể, sau đó anh còn tư vấn chăm sóc, bảo quản sách cho chủ nhân.
Lần đầu tiên tiếp xúc với những cuốn sách trăm tuổi đã mục nát, Phúc hồi hộp không dám lật vì sợ sẽ làm hỏng thêm. Chỉ cần mạnh tay một chút thì cả trang sách có thể vụn ra từng mảnh. Nhưng anh nghĩ, nếu không dám thử thì sao biết mình có thể làm được hay không. Vậy là anh nhẹ nhàng lật từng trang, thở phào khi thấy trang sách vẫn nguyên vẹn.
Đối với sách chưa hư hỏng nặng, anh tháo rời từng trang, đánh số để tránh nhầm lẫn rồi quét bụi bẩn, có khi là xác, phân côn trùng. Trải trang sách lên mặt bàn rồi phủ kín bằng một tờ giấy siêu mỏng, Phúc xịt nước, dùng cọ quét để vệ sinh thêm lần nữa. Nếu có những lỗ thủng, anh tiến hành vá. Để trang sách chắc chắn, anh bồi ở mặt sau trang sách một lớp giấy mỏng, được dán bằng hồ. Sau khi phơi khô, sách được đóng lại thành tập, sạch sẽ, cứng cáp hơn mà vẫn giữ được nguyên bản gốc.
Những cuốn đã bị axit hóa nặng, giấy giòn, dễ gãy vụn anh phải sử dụng thêm một loại thuốc để tăng độ PH của giấy lên. Giấy bị nấm mốc, anh phải dùng thêm cồn 75 độ để diệt. Tất cả những nguyên vật liệu phục vụ cho nghề, Phúc nhập từ Đài Loan, Nhật Bản, Anh, Mỹ...
Ngoài sách, Phúc còn tu bổ tranh giấy, tranh lụa cổ. Trước khi làm, công đoạn đầu tiên và cũng là khó nhất phải đưa tác phẩm về lại đúng nguyên trạng ban đầu. Có những bức tranh bị rách, gập khúc chủ nhân dùng băng keo dán lại. Hoặc tranh qua tay những người thợ khác với lớp hồ dày đặc, anh phải mất mấy ngày mới gỡ ra được hết.
Có lần, Phúc nhận tu bổ bức tranh giấy vẽ hoa mẫu đơn có giá trị gần 500 triệu, khi đang làm việc tại Phòng Bồi biểu Thư họa và Tu bổ hiện vật chất liệu giấy Duệ Nhã Hiên, thành phố Tân Bắc, Đài Loan. Bức tranh bị rách, được người chủ dùng nhiều băng dính dán lại. Lần đầu chữa bệnh cho một vật có giá trị cao, anh lo lắng vì sợ nhỡ có sai sót sẽ làm hỏng thêm bức tranh, không có tiền đền. Nhưng vẫn háo hức bởi sẽ được thực hành trên một "ca bệnh khó".
Trong quá trình gỡ ra, dù đã biết khó, anh vẫn không nhờ thầy trợ giúp. Sau một nhát kẹp nhíp kéo nhẹ, miếng băng keo dính theo một góc chữ trên bức tranh rời ra. Khi ấy, anh phải nhờ đến một người thầy của mình cứu hộ.
"Cảm giác lúc ấy là sợ muốn chết", Phúc hồi tưởng.
Lần đó, Phúc rút được bài học cẩn thận hơn trong công việc, đồng thời cũng nhận ra, đó chính là bản lĩnh nghề nghiệp và sự quyết đoán của người thợ. "Nếu lúc ấy cứ sợ, không dám gỡ miếng băng keo ra thì không thể làm nghề được", Phúc khẳng định.
Ở Việt Nam hiện tại có rất ít người làm nghề tu bổ sách, tranh xưa nên trong 14 năm chuyên sưu tập tranh của mình, anh Lê Dung, ở quận 6 nhiều lần định mang tranh sang Đài Loan. Cuối năm ngoái, biết đến Phúc, anh đã mang một bức tranh từ năm 1961 với tình trạng "te tua" nhờ Phúc chữa bệnh."Tôi rất bất ngờ, hài lòng với sản phẩm nhận lại. Theo tôi biết, ở Việt Nam hiện nay chắc không có ai làm được như Phúc", anh Dung nói.
30 tuổi, Phúc mới bắt đầu lập nghiệp với một cơ sở nhỏ trong căn nhà thuê sau một quá trình học dài. "Với vốn ngoại ngữ của hai vợ chồng, chúng tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng như thế không làm chúng tôi vui", Phúc chia sẻ.
Tháng 10 này, Phúc sẽ ra Hà Nội để hợp tác với Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, mở lớp hướng dẫn tu bổ phục hồi tranh thủy mặc.
Điều anh mong muốn là tương lai sẽ có nhiều bạn trẻ biết và theo học nghề này. "Tuy nhiên, ngoài tính cẩn thận, tỉ mỉ, và một chút khéo tay thì phải cần những bạn trẻ có niềm đam mê và yêu di sản", Phúc nhấn mạnh.
Diệp Phan