Thượng viện Mỹ hôm 14/5 thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương. Dự luật do thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez đề xuất, được thông qua với sự đồng thuận của toàn bộ thượng nghị sĩ.
Dự luật yêu cầu Nhà Trắng đệ trình báo cáo lên quốc hội trong vòng 180 ngày, xác định những người được coi là chịu trách nhiệm ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ. Những cá nhân này sẽ bị trừng phạt bằng những hình thức như đóng băng tài sản ở Mỹ và bị từ chối nhập cảnh.
Dự luật sẽ được gửi đến Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát để xem xét. Nếu Hạ viện thông qua, dự luật tiếp tục được đưa tới Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump quyết định ký thành luật hay không.
Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở là "trung tâm đào tạo nghề" và họ đang phản ứng hợp pháp với mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Tuyên bố này không thuyết phục được các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Hạ viện Mỹ tháng 11 năm ngoái thông qua dự luật Sự can thiệp với người Duy Ngô Nhĩ và Phản ứng Nhân đạo Thống nhất Toàn cầu (Dự luật Duy Ngô Nhĩ) năm 2019, cho phép chính quyền Mỹ xác định và trừng phạt quan chức bị xem là chịu trách nhiệm trong việc giam hàng loạt thành viên nhóm dân tộc thiểu số ở khu tự trị Tân Cương, bao gồm Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
Dự luật mới được Thượng viện thông qua cũng đề cập đến Trần Toàn Quốc và cựu phó bí thư đảng ủy Tân Cương Chu Hải Luân. Trung Quốc từng cảnh báo sẽ hành động trả đũa nếu ông Trần bị nhắm mục tiêu trừng phạt, gọi các động thái của Mỹ về Tân Cương là "can thiệp thô bạo" vào vấn đề nội bộ của nước này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa bình luận về sự việc.
Động thái của Thượng viện Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi do Covid-19. Mỹ cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch, che giấu dịch bệnh và chậm cảnh báo, trong khi Bắc Kinh bác bỏ toàn bộ cáo buộc này.
Huyền Lê (Theo Reuters, SCMP)