- Cuộc sống của anh những ngày qua ra sao?
- Bốn tháng qua, tôi và vợ con vẫn quây quần sống cùng nhau trong phòng trọ ở quận 12, TP HCM. Phòng ở đây rộng 20 m2, hơi bí bách, chật chội nhưng chỉ khoảng hai triệu đồng mỗi tháng, bao cả tiền điện, nước - vừa sức chi trả của tôi. Mỗi ngày, tôi cố gắng lo cho vợ con đủ ba bữa nhưng cũng thiếu trước hụt sau vì lương thực, thực phẩm không đầy đủ. Từ đầu năm đến nay, tôi gần như không có thu nhập.
- Anh nhận được sự hỗ trợ nào từ bạn bè, đồng nghiệp?
- Thời gian qua, tôi chủ yếu sống nhờ gạo, trứng sữa - quà tiếp tế của các mạnh thường quân. Hồi tháng hai, xuất viện sau thời gian chữa đột quỵ, tôi được một nhà hảo tâm tặng chiếc xe hơi làm phương tiện đi lại. Tôi cho thuê với giá 5 triệu đồng mỗi tháng, nhờ vậy phí sinh hoạt cũng đỡ được một phần.
Khoản hỗ trợ từ các nghệ sĩ, khán giả tôi không đụng đến vì muốn dành dụm, sau này cất nhà ở quê, lo cho con cái. Một khán giả đã định cư ở nước ngoài sẵn lòng cho gia đình tôi ở nhờ căn nhà của anh ấy. Tôi đang cân nhắc vì việc chuyển đồ đạc trong những ngày này không dễ. Trên hết, tôi biết ơn tình thương của đồng nghiệp, khán giả dành cho mình trong giai đoạn khó khăn này.
- Đâu là nguồn động viên tinh thần của anh?
- Tôi xem đây quãng thời gian bù đắp cho con gái. Những năm qua, vợ chồng tôi sống xa nhau, con gái ở cùng vợ tại Phan Rang, Ninh Thuận, vài tháng hai cha con mới gặp nhau một lần. Hồi tháng 5, chúng tôi dự tính đưa con về đó vì muốn bé theo học lớp hai ở quê nhà. Dịch bùng phát, cả nhà kẹt lại Sài Gòn đến nay.
Tôi thương con vì chuyện học hành không suôn sẻ. Thỉnh thoảng, nhìn bé chơi đùa trong phòng trọ chật hẹp, tự chụp ảnh bằng điện thoại để tạo niềm vui, tôi lại thấy xót xa. Bù lại, được ôm con thủ thỉ mỗi ngày là hạnh phúc tuổi già của tôi.
- Từ khi có con, anh thấy bản thân thay đổi thế nào?
- Hơn bảy năm qua, từ khi con chào đời, tôi thấy mình điềm đạm, chừng mực hơn, không còn sốc nổi, sống bất cần như trước. Bỗng nhiên, tôi không ước ao, tham vọng gì nữa, chỉ mong được mời đóng phim, công việc đều đặn để lo cho tương lai bé.
Tôi thường chọc con là "đạo diễn tương lai" vì bé rất mê diễn xuất. Mỗi lần tôi đi ra ngoài hơi lâu, vừa về nhà, bé liền trách: "Hôm nay ba về trễ đó nha", rồi "phạt" tôi diễn một phân đoạn kịch bản do bé tự nghĩ ra, xong mới cho ba đi ngủ. Con xinh xắn, cao ráo hơn bạn bè cùng lứa. Tôi kỳ vọng sau này bé nối nghiệp, theo chân cha đến phim trường. Sau giãn cách, tôi sẽ nhờ nghệ sĩ Trịnh Kim Chi dạy diễn xuất cho bé vì cô ấy có mở lớp đào tạo diễn viên nhí. Có điều, vì con còn quá nhỏ, tôi muốn con tập trung học văn hóa trước, có nền tảng thật chắc rồi mới nghĩ đến chuyện theo đuổi nghệ thuật.
- Ở nhà lâu ngày, cảm xúc của anh thế nào khi nghĩ về nghề?
- Hơn một năm qua, không ngày nào tôi ngừng mơ được trở lại đóng phim. Tôi nhớ không khí hàn huyên với bạn bè, quay thâu đêm suốt sáng cùng êkíp. Tác phẩm gần đây nhất tôi tham gia là Giã từ cô đơn của cố đạo diễn Lê Cung Bắc, đóng máy hồi năm 2019. Vì dịch, phim hoãn hậu kỳ nên chưa được ra mắt. Tôi và anh Bắc cũng dang dở ý tưởng một tác phẩm định quay ở Huế, chưa kịp lên kế hoạch thì anh đột ngột qua đời.
Trước giãn cách, tôi nhận được lời mời tham gia phim điện ảnh Tứ đại mỹ nhân của đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito, đóng ông chủ hơn 80 tuổi của một biệt thự. Đây là vai tôi tâm đắc vì được dành nhiều đất diễn trong kịch bản, tạo hình đúng như tôi mong đợi. Dự án này cũng phải đình lại vì dịch diễn biến phức tạp.
- Ở tuổi 65, anh còn ấp ủ tâm nguyện nào cho nghề diễn?
- Tôi may mắn vì cơn đột quỵ không để lại di chứng nào. Tôi không còn sung sức như xưa nhưng vẫn tự chạy xe máy, vác bao gạo như thường. Tôi trân trọng sức khỏe hơn trước, biết ơn vì mỗi ngày thức dậy vẫn có vợ con bên cạnh.
Tôi biết mình đã già, thời hoàng kim qua đã lâu nên giờ được mời đóng phim, cơ hội đóng chính gần như bằng không. Nhìn lại, 50 năm vào nghề, đến nay, gia tài của tôi là những phim kinh điển thường được đài truyền hình chiếu lại. Với tôi, như thế đã đủ mãn nguyện.
Tôi luôn tự nhủ trong đầu hai điều: luôn chịu trách nhiệm về những sai lầm quá khứ và không nuối tiếc khi hào quang đã qua. Thú thực, giờ tôi đã đuối sức rồi. Tôi vẫn đam mê diễn xuất, nhưng không còn tham vọng như xưa. Mọi hy vọng tôi gửi lại cho con.
Thương Tín sinh năm 1956, từng học tại trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn. Ban đầu, anh từng đầu quân cho Đoàn kịch nói Cửu Long Giang rồi Đoàn Kim Cương. Tại Đoàn Kim Cương, Thương Tín đóng cặp với "kỳ nữ" Kim Cương và nổi tiếng qua nhiều vở diễn gây ấn tượng mạnh với khán giả như Bông hồng cài áo, Vực thẳm chiều cao, Huyền thoại mẹ, Tanhia... Về sau, anh tham gia điện ảnh và ghi dấu ấn với vai thiếu tá Lưu Kỳ Vọng trong Ván bài lật ngửa, tướng cướp Bạch Hải Đường trong SBC, Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, Tám Thương trong Chiến trường chia nửa vầng trăng... Năm 2015, Thương Tín ra mắt hồi ký Một đời giông bão.Trong sách, ngoài thuật lại cuộc đời thăng trầm, anh còn kể lại trải nghiệm tình ái với nhiều người đẹp trong làng giải trí một thời.
Tam Kỳ