Nghệ sĩ Ưu tú Hạnh Thúy cho biết chiều 26/2, khi chị vào viện thăm, nghệ sĩ đã tỉnh táo hơn, qua cơn nguy kịch. Dù vậy, tay chân ông vẫn còn khá chậm chạp, sức khỏe yếu vì mắc thêm chứng viêm phổi. Ông được bác sĩ kê các loại thuốc để làm tan cục máu đông gây nhồi máu não, kháng sinh trị viêm phổi, thuốc bổ, tổng tiền viện phí trong hai ngày gần 10 triệu đồng... Hạnh Thúy giúp đàn anh đóng tạm ứng. Chị nói: "Anh hay đòi về vì sợ nằm viện tốn tiền. Sắp tới, anh còn phải siêu âm mạch máu, chụp CT... Với gia đình anh, mỗi ngày tốn vài ba triệu đồng là một gánh nặng không nhỏ". Hạnh Thúy kêu gọi một số đồng nghiệp chung tay giúp diễn viên vượt qua bạo bệnh.
Tối cùng ngày, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi đứng ra nhận quyên góp giúp Thương Tín. Quen ông đã lâu, chị biết một năm qua, vì dịch, ông không được mời đi đóng phim, thu nhập giảm sút. Chị nhắn nhủ các nghệ sĩ hỗ trợ đàn anh qua cơn hoạn nạn. Đạo diễn Đức Thịnh, diễn viên Trương Nam Thành, nhà thiết kế Võ Việt Chung... hưởng ứng lời kêu gọi của chị.
Sau vài tiếng kêu gọi, Trịnh Kim Chi quyên góp được 76 triệu đồng. Chị cho biết sáng 27/2 sẽ mang đến bệnh viện trao cho ông.
Trước đó, biết tài tử đột ngột nhập viện, diễn viên Lý Hùng - Lý Hương gửi 20 triệu đồng động viên ông. Sau khi vào viện thăm Thương Tín, nghệ sĩ Kim Cương nói sẽ bàn với một số mạnh thường quân giúp đỡ đồng nghiệp. Ông từng cộng tác nhiều năm cho đoàn kịch Kim Cương, đóng cặp với "kỳ nữ" trong hàng chục vở diễn.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh - cố vấn chuyên môn bệnh viện đa khoa Tâm trí Sài Gòn, nơi Thương Tín đang điều trị - cho biết tối 25/2, sau khi phát hiện bị đột quỵ ở nhà trọ, ông được hàng xóm đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, yếu nửa người bên trái. Ông đang nằm ở phòng cấp cứu để theo dõi, khi ổn định sẽ được chuyển lên khoa nội để nghỉ ngơi.
Thương Tín hiện được vợ - chị Bùi Kim Chi - và người thân chăm sóc. Vài năm qua, vợ chồng nghệ sĩ sống xa nhau, vài tháng mới gặp một lần. Ông thường ở trọ tại quận 12, chị nuôi con gái ở Phan Rang. Nhiều lúc, ông muốn đón vợ con lên Sài Gòn nhưng sợ phòng trọ bí bách, chật chội, khiến con phải chịu khổ. Năm ngoái, ông không có phim nào đóng, trong khi phải chi trả tiền ăn uống, thuốc men, chỗ ở và tiết kiệm gửi về cho vợ con. Nhiều lúc túng thiếu, ông mượn tiền bạn bè.
Trong một bài phỏng vấn năm 2019, ông cho biết thu nhập từ nghề diễn không đều vì ít đóng, nghệ sĩ phải tham gia một số dự án phim ngắn trên Youtube để kiếm sống. Biết hoàn cảnh ông khó khăn, một số người quen ngỏ ý giúp đỡ nhưng ông từ chối. "Lúc tôi giàu có, sung sướng cũng chỉ một mình tôi hưởng thì tại sao lúc cuộc sống không được như ý lại phải nhờ đến sự giúp đỡ từ mọi người? Tôi nghĩ khán giả vẫn coi phim mình đóng, yêu thương và quý trọng mình đã là một điều hạnh phúc lớn lao đối với một nghệ sĩ", ông nói.
Thương Tín sinh năm 1956, từng học tại trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn. Ban đầu, anh từng đầu quân cho Đoàn kịch nói Cửu Long Giang rồi Đoàn Kim Cương. Tại Đoàn Kim Cương, Thương Tín đóng cặp với Kim Cương và nổi tiếng qua nhiều vở diễn gây ấn tượng mạnh với khán giả như Bông hồng cài áo, Vực thẳm chiều cao, Huyền thoại mẹ, Tanhia... Về sau, anh tham gia điện ảnh và ghi dấu ấn với vai thiếu tá Lưu Kỳ Vọng trong Ván bài lật ngửa, tướng cướp Bạch Hải Đường trong SBC, Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, Tám Thương trong Chiến trường chia nửa vầng trăng... Năm 2015, Thương Tín ra mắt hồi ký Một đời giông bão. Trong sách, ngoài thuật lại cuộc đời thăng trầm, anh còn kể lại trải nghiệm tình ái với nhiều người đẹp trong làng giải trí một thời.
Mai Nhật