Sau các phiên họp với công đoàn, giữa tháng 12, ban giám đốc Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai) công bố thưởng Tết đến hơn 35.000 lao động. Theo đó, mức thưởng Tết Ất Tỵ dành cho mỗi người là 1,5 tháng lương. Căn cứ tính thưởng là tiền lương của tháng 1/2025.
Theo ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn Công ty Taekwang Vina, căn cứ tính tiền thưởng như vừa thông báo sẽ có lợi hơn cho nhân viên vì đầu năm tất cả lao động đều được tăng lương cơ bản. Cụ thể, mỗi người sẽ được tăng 4% lương thâm niên và 100.000 đồng ứng trước lương tối thiểu vùng.
Ông Phúc lý giải, năm 2022 đến nay, lương tối thiểu vùng tăng từ tháng 7, trong khi trước đó điều chỉnh vào đầu năm. Do đó, để công nhân an tâm, ban giám đốc quyết định "ứng trước" 100.000 đồng cho tất cả lao động. Khi nhà nước công bố mức điều chỉnh, ban giám đốc tiếp tục bổ sung phần chênh lệch. Ngoài ra, năm nay đơn hàng ổn định nên mức tăng lương thâm niên cũng cao hơn so các năm trước. Do lương cơ bản tăng nên tiền thưởng cũng tăng theo.
"Đây là mức thưởng tốt nhất kể từ dịch và khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng thoải mái nhất", ông Phúc nói. So với năm ngoái, tiền thưởng Tết của lao động Taekwang Vina tăng 10-11% với tổng số tiền chi thưởng trên 500 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Sài Gòn Food quyết định chi 32 tỷ đồng để chi thưởng và chăm lo Tết cho hơn 2.000 lao động. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết năm nay các chỉ số kinh doanh tốt hơn như doanh số xuất khẩu tăng 17%, hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận, lực lượng lao động duy trì ổn định.
Bà Trần Kiều Oanh, Giám đốc nhân sự Sài Gòn Food, cho biết toàn bộ nhân viên công ty được thưởng một tháng lương 13, với công nhân sản xuất mức thưởng này tương ứng thu nhập bình quân tháng là 11 triệu đồng. Ngoài ra, với khối sản xuất, công ty có thêm khoản thưởng hiệu quả, tương đương một tháng lương.
Ban giám đốc cũng chi thưởng thâm niên cho lao động với trung bình 1,7 triệu đồng mỗi người và cao nhất là 8,5 triệu đồng. Ngoài ra, công ty tổ chức các chương trình chăm lo Tết như tổ chức xe đưa, đón công nhân về quê ăn Tết, tặng quà, tiệc tất niên cho công nhân ở lại...
Theo bà Oanh, tình hình sản xuất kinh doanh khả quan có sự đóng góp quan trọng của người lao động. Do đó, ban giám đốc tiếp tục duy trì các chính sách lương, thưởng, phúc lợi cho toàn thể lao động. Tính chung, mức thưởng năm nay tăng 10% so với năm ngoái.
Không chỉ Taekwang Vina, Sài Gòn Food có mức thưởng tăng, đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cũng cho biết thưởng Tết năm nay khả quan hơn các năm.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM, cho biết kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm nay đạt được mục tiêu, dự kiến 45 tỷ USD. Qua ghi nhận, hầu hết doanh nghiệp đều có đơn hàng ổn định, đặc biệt 6 tháng cuối năm tình hình ấm lên, kết quả sản xuất tốt.
Theo lãnh đạo Hội Dệt may thêu đan TP HCM, đơn hàng tốt dự báo có thể kéo tiếp sang năm sau. Đơn hàng tăng trưởng nhưng doanh nghiệp đang gặp vấn đề thiếu lao động. Do đó, các doanh nghiệp sẽ làm tốt nhất các chính sách lương, thưởng, phúc lợi để hỗ trợ cho những lao động gắn bó và thu hút nguồn nhân lực mới.
"Đây là tín hiệu vui nhất của ngành kể từ khi dịch bùng phát, dù chi nhiều hơn cho thưởng Tết nhưng các doanh nghiệp cũng phấn khởi", ông Hồng nói.
Không chỉ ngành sản xuất "ấm lên" giúp lương, thưởng lao động được cải thiện, khảo sát hơn 700 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành trên toàn quốc của Anphabe về thị trường kinh tế và nhân sự năm 2024 cũng ghi nhận nhiều điểm tích cực. Cụ thể, 42% doanh nghiệp đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng 3-10% và 15% đạt mức siêu tăng trưởng hai con số.
Về nhân sự, sau giai đoạn sa thải hàng loạt năm ngoái, tình hình trong năm nay có sự chuyển biến tích cực hơn. 33% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng nhân sự, tăng vượt trội so với 19% của năm trước, chỉ 9% doanh nghiệp dự kiến thu hẹp nguồn nhân lực, giảm đáng kể so với 14% cuối năm 2023.
Bà Thanh Nguyễn, CEO Anphabe, cho rằng kinh tế khởi sắc, doanh nghiệp không chỉ ổn định hoạt động mà còn cải thiện chính sách phúc lợi, đặc biệt là lương thưởng. Nếu năm 2023, chỉ khoảng 50% người lao động được tăng lương thì năm 2024, con số này đã đạt 59%.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, nói các chỉ số kinh doanh của năm nay đều tốt hơn năm ngoái nên thưởng Tết sẽ cao hơn. Qua ghi nhận của công đoàn, các doanh nghiệp dệt may phía Nam có đơn hàng lấp đầy đến hết năm, nhiều nhà máy ký được hợp đồng đến giữa năm.
Theo bà Thủy, nếu tính từ lúc bùng dịch, ngay cả năm khó khăn nhất là 2023, các doanh nghiệp trong ngành vẫn duy trì một tháng thưởng Tết cho lao động. Đặc thù của ngành, tiền thưởng được tính bình quân thu nhập trong năm. Do đó, khi đơn hàng nhiều, lương công nhân tăng thì thưởng Tết cũng tăng theo. Mức thưởng của các doanh nghiệp là từ 1,5-2 tháng lương.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho rằng so với năm ngoái tình hình sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn ổn định, lương cơ bản và các khoản phụ cấp tăng nên tiền thưởng của lao động cũng cải thiện hơn.
Trong gần 1.700 doanh nghiệp có báo cáo thưởng Tết, mức cao nhất, thấp nhất và bình quân đều cao hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, nếu năm ngoái tiền thưởng Tết Giáp Thìn bình quân của công nhân Bình Dương là 6,8 triệu đồng thì năm nay con số này là 8,77 triệu đồng, tức tăng gần 29%.
Theo quy định, thưởng Tết không phải là khoản bắt buộc, song nhiều năm qua, các doanh nghiệp đều duy trì khoản này như phúc lợi dành cho lao động và thể hiện trách nhiệm xã hội. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu ngày 15/12 là hạn cuối các địa phương báo cáo tình hình tiền lương, thưởng Tết Dương lịch và Nguyên đán về Bộ. Đồng thời, các tỉnh, thành cũng thông báo cho doanh nghiệp cùng công đoàn cơ sở xây dựng phương án thưởng Tết, nắm tình hình tiền lương thực trả, nợ lương, hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp lao động.
Lê Tuyết