Ngày 27/12, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội báo cáo tình hình lương năm 2023, kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Quý Mão của bốn khối: công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ; công ty cổ phần có vốn chi phối của nhà nước, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ, mức thưởng cao nhất Tết Giáp Thìn 20 triệu, thấp nhất 500 nghìn đồng mỗi người, tương đương mức thưởng năm trước.
Đối với công ty cổ phần có góp vốn chi phối của nhà nước, mức thưởng cao nhất 29,8 triệu, thấp nhất là 500 nghìn đồng, trong khi năm trước lần lượt là 35 triệu và 550 nghìn đồng mỗi người.
Sau 3 năm liên tiếp đứng đầu, mức thưởng Tết của khối doanh nghiệp dân doanh năm nay giảm mạnh, cao nhất 90 triệu, thấp nhất 500.000 đồng, trong khi năm trước là 400 triệu và 500.000 đồng mỗi người.
Mức thưởng khối doanh nghiệp FDI cũng giảm so với năm trước nhưng đứng đầu các khối, cao nhất là 205 triệu, thấp nhất 500.000 đồng, trong khi năm trước là 280 triệu và 500 nghìn đồng mỗi người.
Thưởng Tết không phải là khoản cứng có trong quy định của luật lao động, không bắt buộc có mà phụ thuộc tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiền thưởng Tết ở Hà Nội phần nào phản ánh thực trạng khó khăn của nền kinh tế trong năm qua khi mức cao nhất bằng nửa của năm ngoái.
Đến nay cả nước có khoảng 30 tỉnh thành công bố mức thưởng Tết Nguyên đán, trong đó cao nhất gần 5,7 tỷ đồng thuộc về doanh nghiệp vốn đầu tư Nhật Bản ở Long An, mức thấp nhất 20.000 đồng tại Cà Mau.
Ngoài mức thưởng kỷ lục nói trên, số tiền thưởng cao nhất ở các địa phương có một số biến động. Quảng Nam có mức thưởng cao nhất năm nay là 636 triệu đồng, gấp 1,9 lần năm trước - 340 triệu đồng.
Ngoài Hà Nội, một số tỉnh cũng có mức thưởng Tết cao nhất giảm mạnh so với năm trước như Bình Dương (từ 896 triệu giảm xuống 366 triệu đồng), Cần Thơ (từ 138 triệu giảm xuống 96,3 triệu đồng).
Võ Hải