![Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/07/16/sheldon-6294-1437018451.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pU90nfR8Hx1UR1GBl0tBRw)
Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse phát biểu về kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Ảnh chụp màn hình: YouTube
"Nếu hôm nay ông còn sống, ông sẽ tự hào về công việc của cả hai nước nhằm hàn gắn quá khứ của chúng ta", Thượng nghị sĩ Whitehouse hôm 13/7 phát biểu tại Thượng viện, khi nói đến cha ông, Charles Sheldon Whitehouse. Cha ông từng là phó đại sứ tại miền nam Việt Nam năm 1972.
Trong bài phát biểu sau đó được đăng toàn văn trên trang web riêng, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, đại diện bang Rhode Island, cũng cho biết ông từng sống cùng cha vài tháng trong chiến tranh Việt Nam. Bởi vậy, Whitehouse cho rằng kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ là một cột mốc lịch sử, có ý nghĩa quan trọng đối với cả cá nhân ông và gia đình.
Whitehouse cho rằng hai bên phải "rất dũng cảm" mới có thể vượt qua những vết sẹo chiến tranh và hướng tới một tương lai, trong đó hai nước trở thành bạn và đối tác. Ông ca ngợi những người có đóng góp trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước, trong đó có hai cựu chiến binh Mỹ là Thượng nghị sĩ John McCain và Ngoại trưởng John Kerry.
Thượng nghị sĩ Whitehouse cũng đề cập đến thành quả đạt được hiện nay giữa hai nước. "Ngày nay, người Mỹ và Việt Nam có thể tự hào về tiến trình nhằm thiết lập hòa bình và hữu nghị lâu dài", ông nói, nhắc tới Quan hệ Đối tác Toàn diện được thiết lập cách đây hai năm, mở ra một giai đoạn mới về quan hệ song phương dựa trên lòng tin và lợi ích chung.
Whitehouse mới đây gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thảo luận về các lợi ích chung, cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn trong nhiều vấn đề, như sự ổn định của khu vực, hợp tác kinh tế và những hậu quả về con người và môi trường do chiến tranh. Ông vui mừng khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Mỹ mang tính lịch sử.
Thượng nghị sĩ cũng hối thúc Mỹ tiếp tục giải quyết hậu quả chiến tranh, đặc biệt là tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường do chất độc da cam và các chất diệt cỏ khác gây ra với cả cựu binh Mỹ và các nạn nhân ở Việt Nam. Ông đánh giá cao sự lãnh đạo của Thượng nghĩ sĩ Patrick Leahy trong các dự án khử độc ở sân bay Đà Nẵng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều việc cần phải làm. "Theo đánh giá ban đầu ở Căn cứ Không quân Biên Hòa, mức độ ô nhiễm ở đó còn nghiêm trọng hơn và dự kiến việc khử độc còn phức tạp, tốn kém hơn ở Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các vấn đề sức khỏe, khuyết tật vẫn tồn tại ở những khu vực bị rải chất độc da cam hay bị nhiễm độc dioxin", Whitehouse nói.
Ông cũng nhắc tới Dick Hughes, người lập ra dự án Những đứa trẻ đánh giày, giúp đỡ trẻ mồ côi vô gia cư hoặc bị bỏ lại trong chiến tranh. Hughes tập hợp các em lại, cung cấp những hộp đánh giày như một cách kiếm sống, cho các em nơi ở khi đêm xuống. Trong suốt 8 năm, dự án đã giúp hàng nghìn trẻ em tại các thành phố khắp Việt Nam. Trở về Mỹ, Hughes tiếp tục vận động vì sự nghiệp nhân đạo sau chiến tranh và thành lập quỹ nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của chất độc da cam đối với người Việt Nam. "Dick tiếp tục là một người bạn đáng tin cậy và một người ủng hộ không mệt mỏi với nhân dân Việt Nam", Whitehouse nói.
"Khi hai nước chúng ta tiếp tục làm việc vì một tương lai tươi mới, chúng ta cần tăng cường nỗ lực nhằm cải thiện sức khỏe và phúc lợi cho người dân Việt Nam. Chúng ta có thể học hỏi từ trải nghiệm của Dick về sức mạnh của quan hệ đối tác, giá trị của sự lãnh đạo địa phương, và cùng nhau, chúng ta có thể sửa chữa những thiệt hại trên con đường chúng ta cùng đi, về thể chất, tâm lý và chính trị", thượng nghị sĩ nói.
Trọng Giáp