Ông Vinh từng có hơn 40 năm làm phóng viên, chứng kiến và đưa tin nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, trong đó có tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Từ tháng 1/1995, khi Mỹ chuẩn bị mở Văn phòng liên lạc tại Việt Nam, ông Vinh đã tìm và ghi lại được hình ảnh các xe cộ mang biển số ngoại giao và cắm cờ Mỹ ở Hà Nội. Ông cũng quay phim các nhân viên di chuyển những thiết bị, đồ đạc vào tòa nhà số 7 phố Láng Hạ. Không chỉ Mỹ và Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đều quan tâm và đón chờ thông tin về sự hiện diện của cơ quan chính phủ đầu tiên của Mỹ ở Hà Nội.
Ông Vinh không bao giờ quên cảnh tượng lá cờ Mỹ đầu tiên được kéo lên ở Văn phòng vào ngày 6/2 năm đó, sự kiện mà ông cũng góp sức một phần.
"Chúng tôi nhận được thông tin sẽ có một buổi kéo cờ ở đó, dù phía Mỹ không thông báo cho các cơ quan báo chí. Chúng tôi đành phải đến đó thật sớm, từ 6 rưỡi sáng, chờ đợi suốt hai, ba ngày liền nhưng không thấy gì", ông kể về thời điểm đáng nhớ đó, khi ông làm việc cho hãng Reuters.
Đến ngày thứ tư, dù rất nhiều phóng viên bỏ cuộc, ông Vinh vẫn tiếp tục bám trụ. Ông làm quen với một cửa hàng ở bên cạnh và được chủ nhà cho phép lên tầng thượng, ngang với ban công của văn phòng, để quan sát.
"Cột cờ nhỏ nằm giữa ban công lớn như một cái sảnh và có 3 sợi dây neo giữ. Đến 7h, tôi nhìn thấy có một người ở bên trong văn phòng ôm trên tay một lá cờ Mỹ được gấp ngay ngắn. Tôi rất mừng rỡ ", ông kể.
Tuy nhiên, một sự cố bất ngờ xảy ra khi hai nhân viên, trong đó có một người Việt Nam, kéo dây treo cờ quá mạnh khiến nó bật ra và bị kẹt. Thấy họ loay hoay mãi, ông Vinh mới lên tiếng đề nghị họ cắt ba dây chằng và hạ cột cờ xuống, nghiêng sang phía sân thượng ông đang đứng.
Ông giúp họ gỡ phần dây bị kẹt và chỉnh sửa rồi dựng lại cột cờ. Sau đó, người phóng viên nhanh chóng quay về với nhiệm vụ của mình và ghi lại khoảnh khắc lá cờ Mỹ lần đầu tiên được kéo lên trên đất nước Việt Nam thống nhất, 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc.
"Khi nhìn thấy lá cờ tung bay, mọi người biết rằng tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ từ nay sẽ được đẩy mạnh", ông nói. "Hôm đó tôi đã có một tin truyền hình độc quyền".
Ngày 11/7/1995, Reuters nhận được tin tổng thống Mỹ sẽ có buổi công bố chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam tại thủ đô Washington. Lúc đó ở Việt Nam chưa phổ cập các kênh truyền hình của nước ngoài. Ông Vinh may mắn biết được rằng có một quán bar hiếm hoi ở Hà Nội tổ chức cho mọi người, chủ yếu là người nước ngoài, tụ tập theo dõi sự kiện này trực tiếp qua kênh CNN.
11h đêm đó, khi ở Mỹ đang là buổi trưa, ông Vinh mang theo máy quay đến quán bar tác nghiệp.
"Hôm đó khá nóng nhưng mọi người đã đứng chờ rất đông. Khi ở trên màn hình Tổng thống Bill Clinton nói rằng 'Hôm nay tôi chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam', mọi người đều hò reo sung sướng, vỗ tay hoan hô và chúc mừng nhau", ông Vinh kể. "Đó là giây phút rất đặc biệt trong cuộc đời làm nghề của tôi".
Những hình ảnh này sau đó được phát sóng và đăng tải trên khắp báo chí và phương tiện truyền thông của thế giới. "Chúng tôi quyết định không phỏng vấn ai vì tiếng reo hò và hình ảnh vui sướng của mọi người đã nói lên tất cả", ông Vinh nói.
Một tháng sau, đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam chính thức được khai trương tại số 7 phố Láng Hạ, tại nơi đã có Văn phòng Liên lạc trước đó. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Warren Christopher đã sang Việt Nam chủ trì sự kiện quan trọng này.
Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Vinh cảm thấy rất may mắn khi được chứng kiến những bước đột phá trong quan hệ Việt Nam và Mỹ, từ những cuộc đàm phán căng thẳng đến thiết lập văn phòng liên lạc, bình thường hóa quan hệ rồi khai trương đại sứ quán và những chuyến trao đổi song phương sau đó.
"Quan hệ Việt - Mỹ là mối quan hệ rất đặc biệt, từ đối địch trở thành bạn bè rồi đối tác toàn diện. Con đường quan hệ Việt - Mỹ là con đường của hòa giải và phát triển", ông nói.
Anh Ngọc