![]() |
Ảnh do tác giả cung cấp. |
“Xuân xuân ơi, xuân đã về, có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến…” Lời ca náo nức làm ai cũng muốn hát theo. Chắc là ai cũng thấy vui khi không khí Tết đang bao trùm lên không gian, ai ai cũng hân hoan trong niềm vui đoàn tụ và tràn trề hy vọng năm sau thành công, no ấm. Những người ở xa nhà thì chắc ai ai cũng xốn xang nỗi nhớ mong. Còn tôi thì ngậm ngùi thương về bao nhiêu kỷ niệm, những kỷ niệm nằm lộn xộn trong trí nhớ, không theo một thứ tự nào nhưng vẫn còn rõ nét và cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn.
Tôi thương vô cùng những cái Tết của những ngày xa xưa ấy, thương những niềm vui ngây thơ của cái thời chưa biết buồn và cũng chưa biết nghĩ suy gì. Niềm vui của cái thời mà hạnh phúc đơn giản chỉ là bữa cơm ngon và manh áo mới, vậy nên hồi đó tôi cứ ước mỗi tháng có Tết một lần.
Tôi thương hình ảnh hối hả tất bật của ba mẹ tôi những ngày cận Tết. Bọn tôi vui và mong Tết đến thật nhanh mà không hề để ý nỗi lo lắng trên gương mặt ba mẹ. Thương hình ảnh ba tôi lật đật dựng một vác cả cuốc, cả cào, cả cuốc chĩa vào vách đất nhà bếp, phủi phủi hai bàn tay vào hai đầu gối nơi được đắp hai miếng vá to đùng, rồi mang rựa ra sau nhà tìm chặt một cây tre thật cao dựng lên làm cây nêu.
Tôi thương những âm thanh từ muôn vàn công việc chuẩn bị cho ngày Tết trong đêm khuya của mẹ, những âm thanh vang lên trong cái thật lạnh, thật vắng, thật sâu của đêm những ngày cuối năm nghe sao mà thân thương và ấm lòng… Tôi thương tiếng rìu bổ củi của ba tôi khi trời còn chưa sáng rõ, củi cho nồi bánh tét của nhà tôi bao giờ cũng to, cũng chắc, cũng thừa thãi.
Thương một buổi sáng cuối năm ba tôi đã chầu chực từ sáng sớm ở cửa hàng mậu dịch chờ mua thịt tiêu chuẩn Tết, nhưng mãi đến quá trưa đành phải về tay không vì ba tôi quá hiền và thật thà không thể chen lấn xô đẩy như người khác. Trong khi nhân viên mậu dịch thì chỉ ưu ái những người thân quen. Năm đó bánh tét nhà tôi chỉ có nhân đậu xanh. Vừa gói bánh, ba mẹ vừa động viên chị em chúng tôi là bánh chay thường để dành được lâu hơn.
Tôi thương hai cái chăn bông phải ở trần mấy ngày Tết vì hai cái vỏ in hoa đã bị ba tôi lột làm phong màn. Thương bức ảnh Bác Hồ đã cũ mà năm nào ba tôi cũng lau chùi sạch bóng cái khung tre do chính ba tôi làm, thương bức tranh vẽ Lý Thường Kiệt và mấy câu thơ ”Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…”, mà ba tôi dán trên vách bằng hồ quấy từ bột sắn, dù đã được trộn thuốc ký ninh cho đắng mà mấy ngày sau vẫn cứ bị lũ gián gặm nham nhở xung quanh.
Tôi thương đứa em trai út nhỏ xíu ngoan nhất làng, dù Tết mà vẫn phải ăn lạt vì bệnh. Thỉnh thoảng mẹ tôi phải dừng tay làm việc để ôm và xoa bụng cho em vì em cứ kêu đau bụng. Chắc em chẳng mong Tết đâu. Ngày đó tôi ngu dại không biết ôm em để mà an ủi, để bây giờ mỗi lần Tết đến lại nghe quặn thắt trong lòng.
Tôi xót xa vì cái động tác đưa tay áo lên quệt nước mắt của mẹ tôi khi chắp tay khấn vái truớc mâm cơm cúng chiều 30 Tết. Có lẽ mẹ đang hồi tưởng đến Tết năm ấy, cái Tết miền Nam đón giao thừa không phải bằng tiếng pháo mà bằng tiếng súng tổng tiến công. Cái Tết đã mang theo hai người thân cuối cùng trong gia đình của mẹ: bà ngoại và cậu.
Cậu tôi đã gửi lại tuổi xuân trong lòng đất cố đô mang theo khát vọng mùa xuân giải phóng. Mẹ tôi vẫn kể rằng Tết năm trước cậu còn nghịch ngợm mặc áo dài của mẹ đạp xe vòng quanh xóm làm các cô gái bưng miệng cười khúc khích. Ai cũng tưởng cậu vào Huế chỉ để học chứ không ngờ cậu tham gia đội công tác Thành. Căn nhà của bà ngoại vốn là nơi che giấu cán bộ và diễn ra các hoạt động bí mật, bị bắn phá tan tành, đồ đạc đã bị những người lợi dụng cơ hội lấy đi hết. Từ đó, mỗi ngày Tết, mẹ tôi - người duy nhất còn lại - buồn bã làm mâm cơm cúng tám thành viên trong gia đình mà người già nhất cũng chưa qua tuổi sáu mươi.
Tôi thương kỷ vật ít ỏi của bà ngoại, đó là mấy cái dĩa thủy tinh nhỏ có hoa văn nổi hình rồng mà cả năm mẹ tôi cất trong cái thùng đựng lương khô đã rỉ. Chỉ đến Tết mẹ mới đem ra để đơm thức ăn cúng, mẹ luôn dặn chúng tôi cố gắng đừng để vỡ.
Tôi thương những sáng 30 Tết, khi những người xa nhà cuối cùng trong xóm cũng đã có mặt, thì ba tôi xếp bộ quần áo đã bạc màu, một bi đông nước, một vài thứ nông sản ở trong vườn, thêm một que tre dùng để xỏ quai dép cao su vào chiếc ba lô con cóc. Không có cảnh chia tay lưu luyến như trong phim ảnh, ba tôi vội vàng khoác ba lô lên vai, cúi xuống kéo quai dép cao su quàng ra phía sau gót, vừa xoa đầu chúng tôi vừa dặn dò mẹ vài câu rồi lật đật bước đi. Không vẫy tay chào, ba tôi ngoái lại thêm vài lần nữa. Ba tôi vốn mộc mạc, mộc mạc như chính cái Tết nơi xóm nghèo. Tôi nhớ mãi cái dáng gầy guộc của ba tôi với cái ba lô khuất sau ngã ba - cái ngã ba “tử thần” trong suốt thời thơ ấu của tôi , nơi đứng sừng sững một bụi tre cán giáo không biết có từ bao giờ, nằm trong khu đất của ông cụ thợ rèn đã mất từ lâu, um tùm tỏa bóng một vùng mà dù đêm trăng sáng nhất cũng vẫn tối mò, làm ba ngôi mộ cạnh bên thêm u tịch, nhất là ban đêm, làm tôi rất sợ.
Ba tôi phải đi bộ hơn mười cây số về ga đón chuyến tàu cuối cùng về thăm quê, nơi đó cả gia đình tan nát trong chiến tranh may sao ông bà nội vẫn còn. “Bên nớ, bên ni”giới tuyến khoảng cách chẳng là bao mà hai mươi năm biền biệt. Có lần ba tôi bị trễ tàu và phải đón giao thừa ở nhà ga. Chắc năm đó con đường quá lầy lội sau những đợt gió mùa đông bắc - con đường duy nhất đưa chúng tôi về ga tàu và về quốc lộ, được mở từ hồi chiến tranh và sau đó không được tu sửa, đã bị mưa lũ xói mòn lớp sỏi, để lòi ra lớp đất sét mà nếu mưa to, sẽ nhão nhoét và dẻo quánh như hồ dán, nếu mưa nhỏ thì trơn như đổ mỡ, và nếu nắng lâu ngày thì biến thành lớp bột mịn bước nghe phùm phụp và biến cây cối ven đường cùng người đi đường thành màu gạch non. Chắc tại cái lớp đất sét tai ác ấy đã làm quai của đôi dép cao su mòn tụt hoài và ba tôi phải dừng lại để xỏ, mà con tàu chiều 30 Tết thì đâu có đợi.
Tôi thương cái cảm giác vui mừng khi khi ba tôi trở về nhà ngày mùng 2 Tết. Sự mệt nhọc của cuộc đi bộ 25 km trở về nhà từ bến xe đò không làm tan đi vẻ hân hoan trên khuôn mặt của ba tôi. “Ông bà nội vẫn khỏe” ba nói vậy. Quà Tết của ông bà nội là chiếc ba lô đầy gạo căng tròn. Ông bà tôi đã già, tất cả các chú đều đã hy sinh, nên ông bà chỉ cày cấy trên mảnh ruông nhỏ trước mặt nhà. Mất mùa hay được mùa chúng tôi cũng đều có phần. Quê nội có ruộng trồng lúa nước nên đỡ bấp bênh hơn vùng chúng tôi ở. Tôi nhớ ông bà nội và hình dung cái lưng còng của bà cặm cụi sàng sảy bên cái cối chày đạp. Ông bà biết ra giêng ba mẹ tôi lại phải còng lưng cuốc xới trên những sườn đồi bạt ngàn đầy bom đạn mà kết quả thì còn phải đợi vào ân huệ của ông Trời, nên đã luôn nghĩ đến bát cơm ngày giáp hạt cho chị em chúng tôi.
Tôi vội vàng tạm biệt mái nhà thân yêu chỉ vì một ước mơ nho nhỏ mà đâu có biết rằng cuộc đời như một dòng sông mà phận người cũng như nước trong dòng sông ấy, càng trôi càng xa mãi. Xuân đến rồi xuân đi đã bao nhiêu bận mà cố hương thì vẫn mãi xa vời.
Gần ba mươi năm trôi qua từ một cái Tết xa của những ngày xa xưa ấy. Giờ đây mỗi ngày Tết, bàn thờ nhà tôi càng thêm đông đúc: ngoài tám người bên gia đình bà ngoại, còm có thêm ba vong linh từ chính gia đình tôi: một còn thiếu nhi, một chưa qua tuổi thanh niên, và thân phụ của họ. Ông bà nội và các chú tuy được thờ cúng trong Nam nhưng chắc cũng ghé thăm. Còn việc lo mâm cơm cúng thì chỉ còn có hai người: Một bà ngoại, một cháu mồ côi. Tết này mẹ tôi đã yếu nhiều , mắt mờ, tay run run. Đòn bánh tét mẹ gói chắc không còn chắc nịch như ngày xưa nhưng nỗi niềm mẹ gửi gắm thì chắc nhiều hơn. Những câu khấn vái thầm thì của mẹ chắc cũng dài hơn và mẹ quệt nước mắt chắc cũng nhiều hơn.
Bây giờ quê ngoại đã có nhà thờ họ. Các anh họ của tôi cũng rước vong linh ông bà ngoại, các cậu các dì về thờ cúng. Nhưng mẹ tôi tuổi già sức yếu không thể về quê các dịp giỗ Tết. Một phần do là người ruột thịt gần gũi nhất, đã chứng kiến sự ra đi của những người thân, mà phần mộ còn rải rác và thất lạc khắp nơi, nên mẹ tôi vẫn cứ duy tri việc cúng quảy tại nhà.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và việc làm đang tác động lên hàng trăm ngàn gia đình, Tết Nhâm thìn đến Almere đúng vào lúc chúng tôi phải làm kiểm định xe hàng năm (Algemene Periodieke keuring). Một khoản tiền kha khá ngoài dự kiến chi tiêu của tháng lại đội nón ra đi. “Rủi quá” tôi nghĩ bụng. Biết Tết Nguyên đán đến gần, chồng tôi ân cần hỏi tôi muốn tổ chức gì để đón năm mới Ấm lịch. Tôi thầm nghĩ đến siêu thị Wat Nam Hong ở Amsterdam, nơi có đủ thứ thực phẩm trên rừng dưới biển nhập từ châu Á, mà nếu đã nghé vào, cho dù không mua gì thì cũng phải mất vài tiếng đồng hồ để nhìn cho đã mắt, nhưng giá cả thì cũng không hề khiêm tốn chút nào. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, trong tâm trạng không mơ tưởng gì đến việc ăn uống, cộng với việc chồng và con trai cũng hầu như chẳng ăn gì ngoài khoai tây chiên, tôi đáp: “Mình chỉ cần hương đèn, trái cây dâng lên bàn thờ Phật. Bàn thờ ba, hai em và ông bà cũng vậy. Khi còn sống chưa có ai được nếm nho, táo và các loại trái cây vùng ôn đới, có lẽ năm nay mình dâng cúng trái cây của Hà Lan, cầu mong sao mẹ sống đến ngày chúng mình có điều kiện về thăm, khi đó rồi tổ chức một cái Tết thật đúng nghĩa”.
Giao thừa ghé đến ngôi nhà của chúng tôi cùng với tiếng gió rú rít trên những hàng cây trụi lá. Không pháo hoa, không tiếng hò reo náo nhiệt. Chỉ có ba chúng tôi, nhìn nhau cũng hiểu hết rồi. Tuy nhiên chồng tôi cũng chúc Tết hai mẹ con theo lệ thường, nhân tiện nhắc tôi sáng sớm mai đừng quên quan sát trạm không gian quốc tế ISS. “Sau đó nó sẽ bay qua Việt Nam đấy”. “Việt Nam à!” Hai tai tôi đội nhiên vểnh lên như con mèo nghe tiếng chuột. Vẻ ngạc nhiên của chồng làm tôi tưng hửng. Ừ nhỉ, có vậy mà trống ngực cũng đập thình thình!
Trong giây phút thiêng liêng khi trời đất giao mùa, với nỗi niềm nhớ thương da diết, tôi lại rưng rưng cầu nguyện về một cõi hạnh phúc vĩnh hằng cho những người thân yêu đã khuất, cầu xin sự hỷ xả nơi họ để tha thứ cho những lỗi lầm của tôi, tha thứ cho những tâm nguyện không thành. Và cầu mong một niềm hạnh phúc đơn sơ cho những người còn ở lại: những tháng ngày an lạc không còn những đau buồn. Cầu mong nụ cười lại nở trên khuôn mặt già nua của mẹ tôi khi được đón chúng tôi trở về thăm, để cùng nhau đón một cái Tết trên quê hương, tuy chẳng bao giờ trọn vẹn nhưng đó là cái Tết mà tôi luôn mong đợi.
Lê Thị Tuyết