Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bush. |
Trên đây là bình luận của tờ Christian Science Monitor ra ngày 22/6 về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải. Tờ báo viết:
Trong chuyến công du tuần này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chứng kiến việc mua 4 chiếc Boeing, bắt tay Bill Gates, trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và quan trọng hơn cả, gặp Tổng thống Bush.
30 năm sau khi Washington chấm dứt can thiệp ở Việt Nam, cuộc xung đột từ thuở ấy vẫn là nhân tố gây chia rẽ trong nền chính trị Mỹ. Một số người Mỹ gốc Việt còn phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Nhưng hợp tác trên nhiều mặt đang đưa hai cựu thù xích lại gần nhau. Nền kinh tế non trẻ của Việt Nam cần sự đóng góp của Mỹ. Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đã được phục hồi năm 1995 dưới thời tổng thống Clinton. Kể từ khi đó, thương mại hai chiều đạt mức 6,4 tỷ USD/năm. Với Mỹ, như vậy chưa phải là nhiều. Nhưng với Việt Nam, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của họ.
“Chúng tôi có dân số 80 triệu người, đó là một thị trường lớn đối với các doanh nghiệp Mỹ”, ông Khải bình luận.
Tại Nhà Trắng, ông Khải và ông Bush bàn đến sự ủng hộ của Mỹ đối với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tổng thống Mỹ ca ngợi những bước đi của Việt Nam giúp đạt tiến bộ kinh tế và những tuyên bố về bảo đảm tự do tín ngưỡng. Ông cũng cảm ơn Việt Nam về sự hợp tác trong việc tìm kiếm hài cốt những quân nhân Mỹ tử trận trong chiến tranh.
“Đối với nhiều gia đình ở nước Mỹ, họ cảm thấy được an ủi rất nhiều khi họ hiểu rằng chính phủ đang cung cấp thông tin giúp khép lại một chương đau buồn trong cuộc đời của họ”, ông Bush tuyên bố.
Ông cũng thông báo sẽ đến Việt Nam vào năm tới, để dự hội nghị thượng đỉnh APEC. “Tôi mong đợi chuyến đi và cuộc họp thượng đỉnh APEC mà Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ nhà”, Tổng thống bình luận.
Rõ ràng, quan hệ Việt - Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới. Thời thế đã khác. Ngày nay, chính những chuyển biến trong quan hệ kinh tế đã đưa hai quốc gia lại bên nhau. Việt Nam đã từ bỏ nền kinh tế quan liêu bao cấp, thay vào đó bằng các chính sách kinh tế thị trường và những biện pháp khích lệ các nhà đầu tư nước ngoài. Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như tôm và giày dép đã trở nên thông dụng ở nước Mỹ.
Tại một số điểm dừng chân của Thủ tướng Phan Văn Khải, một số nhóm người gốc Việt biểu tình phản đối ông. Tuy nhiên, Ronald Pham - một luật sư ở vùng Dorchester của Boston, sống ở Mỹ kể từ khi 11 tuổi – cho rằng nên hoan nghênh chuyến thăm của ông Khải. "Tôi ủng hộ dân chủ và cải cách ở Việt Nam. Cô lập sẽ không giúp được gì. Tại sao người ta lại nghĩ rằng có thể sử dụng cách cô lập để buộc Việt Nam thay đổi chính sách?”
Phu Nguyen, đến Mỹ từ năm lên 3 tuổi, nhận xét: “Trong thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt, có những người ủng hộ mở cửa Việt Nam. Nhưng có những người khác thì vẫn mang tư tưởng cố hữu của cha mẹ họ. Tôi thuộc loại ở giữa. Giúp Việt Nam phát triển thương mại, và ủng hộ công khai hoá”.
M.C. (trích dịch)