-
16h22
Khép lại toạ đàm, điều phối chương trình mời các diễn giả chia sẻ ngắn gọn với các doanh nghiệp đang có kế hoạch lên sàn thương mại điện tử. Theo đó, Luật sư Ngô Khắc Lễ nhắn gửi đến doanh nghiệp: "Tin là bạn nhưng phải cảnh giác". Ông Nguyễn Trọng Tĩnh (MSB) nói, doanh nghiệp có thể tìm đến MSB để nhận hỗ trợ về vốn, tài chính, quản trị, đảm bảo rủi ro trong hoạt động.
Với kinh nghiệm thực tế khi ra thị trường quốc tế, ông Lê Nguyễn Khánh Trình kết luận doanh nghiệp muốn thành công cần quan tâm đến sở hữu trí tuệ, uy tín người bán, cách định vị thương vị. Quan trọng nhất, cần đăng ký sở hữu trí tuệ hoặc đăng ký thương hiệu tránh việc bị ăn cắp, làm nhái.
Còn ông An Long Nguyễn (LogoZen LLC) nhấn mạnh doanh nghiệp nên bắt đầu, cần có kế hoạch dài hạn, vừa học vừa làm và tốt nhất là có sự hỗ trợ.
-
16h15
Những lưu ý khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Nhận được câu hỏi của độc giả về những lưu ý khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, bà Thư, đại diện Tiki cho biết, Tiki đã thành công trong các thương vụ giải cứu nông sản như vải Bắc Giang... Quay lại câu chuyện nông sản, bà cho rằng, đặc thù của nông sản nằm ở mặt vận hành. "Nếu anh chị có thể mở bán ở các thành phố lớn thì không vấn đề gì, nhưng nếu ở các tỉnh thành xa thì phải giải quyết câu chuyện vận hành. Hơn nữa, nông sản thuộc Tiki ngon - đang là mũi nhọn, chiến lược trọng điểm của Tiki nên chúng tôi đang có chính sách có hỗ trợ lâu bền, nhất là với các đơn vị cung cấp nông sản, nên các đơn vị có thể liên hệ sớm bộ phận hỗ trợ của Tiki để có giải đáp cụ thể hơn", bà nói.
Về phía Amazon, ôngToàn cho biết, quan trọng nhất là chúng ta cần nhân sự chuyên trách, thứ hai là mặt hàng nông sản nếu muốn hướng tới người tiêu dùng nước ngoài thì cần phải xây dựng thương hiệu mới, bằng ngôn ngữ tiếng Anh chẳng hạn. Thứ ba là quy định của thị trường - nếu muốn bán ở Mỹ thì phải có những quy định liên quan FDA...
"Nhiều khi rào cản lớn nhất nằm ở trong đầu chúng ta, nếu không bắt tay vào làm thì sẽ rất khó. Theo tôi nên bắt tay vào luôn, đội ngũ của Amazon sẽ hỗ trợ các bạn tìm đối tác, giúp anh chị bán hàng trên Amazon cũng đơn giản như bán hàng trên Tiki. Mỗi khó khăn sẽ là cách xây dựng năng lực cạnh tranh", ông Toàn nhấn mạnh
-
16h10
Ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lưu ý tầm quan trọng của việc lưu giữ dữ liệu khi giao dịch thương mại điện tử, đề phòng các trường hợp phát sinh tranh chấp. Ông dẫn chứng trường hợp một doanh nghiệp Việt Nam, tham gia điện tử xuyên biên giới, khi giao dịch chỉ dùng thiết bị điện tử không dây là điện thoại di động. Doanh nghiệp này sau đó bị lừa, đã chuyển tiền nhưng không nhận được hàng. Khi ra nước ngoài, người của doanh nghiệp vẫn có thể liên lạc với bên lừa đảo bằng điện thoại di động. Thậm chí cảnh sát sở tại cũng nói chuyện với người lừa đảo kia bằng điện thoại di động nhưng cảnh sát cho rằng họ cũng không biết số điện thoại đó có phải của nước của họ không? Sau đó, doanh nghiệp nhìn hợp đồng, gọi điện thoại theo số hợp đồng thì phát hiện điện thoại thiếu số một số. Các địa chỉ trên hợp đồng đều là địa chỉ ma hoặc là địa chỉ của một đơn vị khác.
Để tránh rủi ro, ông Lễ khuyên khi giao dịch điện tử, đầu tiên phải điều tra đối tác cụ thể, xác định rõ phương thức lưu giữ thông tin. Thực tế nhiều người dùng zalo, viber, lẫn lộn việc chung riêng, đến khi có tranh chấp, không phân tách được. Khi được yêu cầu hồ sơ để giải quyết tranh chấp, không lưu lại được các bản các bên đã sử dụng. Thực tế, có những bản trên điện tử có thể tự động xóa khi đối tượng thay đổi. Quan trọng, các doanh nghiệp làm sao phải lưu giữ được các thông tin, văn bản để khi tranh chấp có thể kiểm tra. Thư điện tử cũng được coi là văn bản. Có thể sao lưu những email, đoạn chat ra nhiều nơi, và khi có tranh chấp có thể mang máy tính đến để lấy được văn bản.
-
16h00
Cách hạn chế rủi ro khi giao dịch ngoại thương
Ông Nguyễn Trọng Tĩnh - Giám đốc Kênh bán hàng và Phân phối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết hiện nay doanh nghiệp Việt Nam tham gia tích cực, hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, biểu hiện qua giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2021 là vượt qua 660 tỷ USD, tăng 23% so với 2020. Tại MSB, hình thức giao dịch qua thư tín dụng tăng 200% so với năm liền trước, giao dịch ngoại tệ tăng 150% cùng kỳ năm trước.
Trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ông nhận thấy có 5 rủi ro khá phổ biến:
Đầu tiên là rủi ro thương mại: người nhập khẩu chậm hoặc không thanh toán, biến động giá cả thị trường do chính trị, thiên tai... Để hạn chế, doanh nghiệp cần thực hiện biện pháp thẩm định thông tin đối tác thận trọng (KYC), chỉ chọn đơn vị tin cậy, có lịch sử thanh toán đúng hạn. Nên chia thành nhiều đợt chuyển tiền (đặt cọc, chuyển một phần, chuyển hết khi nhận đủ hàng, kết hợp các phương thức thanh toán khác nhau như 30% bằng TT, 70% bằng L/C).
Thứ hai là rủi ro biến động tỷ giá. Tại MSB có bộ phận nghiên cứu thị trường từ đó đưa ra báo cáo biến động ngắn và dài hạn, cung cấp cho doanh nghiệp lựa chọn giải pháp tài chính phù hợp.
"Chúng tôi cũng cung cấp giải pháp bảo hiểm rủi ro tỷ giá, tránh ảnh hưởng kết quả kinh doanh", ông Tĩnh nói.
Thứ ba là rủi ro về đạo đức như người nhập khẩu không nhận hàng, từ chối thanh toán; người chở hàng biến mất, rút ruột, làm hỏng hàng; người giao nhận chứng từ cấu kết người mua rút ruột thay thế bộ chứng từ để đi lấy hàng... MSB kiến nghị có biện pháp KYC đối tác, lựa chọn đối tác có quan hệ lâu năm, kết hợp phương thức trả trước một phần hoặc bảo lãnh ngân hàng; chọn hãng vận tải uy tín, có tên tuổi hoặc chọn phương thức thanh toán không phải thuê vận tải, lộ trình chuyên chở kiểm soát online.
Thứ tư là pháp lý. Khi doanh nghiệp hạn chế kiến thức có thể xác lập hợp đồng với quyền lợi bất lợi, cần lập bộ phận chuyên trách hoặc sử dụng lĩnh vực tư vấn chuyên sâu về luật pháp quốc tế. MSB cũng có đội ngũ chuyên gia tư vấn đối tác xác lập hợp đồng
Cuối cùng là rủi ro về vận hành. Có trường hợp trình độ tham gia của các bên còn yếu dẫn đến sai sót từ khâu soạn hợp đồng, lập chứng từ dẫn đến khả năng chậm hoặc không được thanh toán. Doanh nghiệp có thể tham khảo dịch vụ tại MSB với các chuyên gia tư vấn khách hàng thiết lập bộ chứng từ cũng như các điều khoản hợp đồng, L/C có lợi cho nhà xuất khẩu.
-
15h50
Thách thức khi tham gia sàn xuyên biên giới
Ông An Long Nguyễn - Giám đốc Việt Nam - LogoZen LLC (Mỹ) chia sẻ về những khó khăn, rủi ro cũng như thách thức khi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử quốc tế.
Ông An Long Nguyễn thành lập công ty tại Mỹ vào năm 2018. Công ty chuyên về bán lẻ, phân phối hàng Việt Nam ra thế giới. Hiện công ty có văn phòng tại Mỹ, kho bãi tại Việt Nam, châu Âu... đang phân phối cho nhiều đối tác bán lẻ, trên sàn thương mại điện tử cũng có như Amazon...
Kinh nghiệm kinh doanh tại nhiều quốc gia, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết có không ít thách thức với doanh nghiệp Việt.
Khi tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế, như Amazon, có hàng triệu người bán hàng từ các nơi thế giới, điều này tạo cuộc canh tranh lớn về giá, nhất là khi hàng Việt Nam phần lớn là hàng giá trị thấp, chưa có thương hiệu so với thế giới, nên khi mang hàng ra nước ngoài gặp hiện tượng phổ biến là các doanh nghiệp quốc tế vẫn bán hàng của chúng ta, nên ta cạnh tranh với chính họ.
Khi khác lãnh thổ, doanh nghiệp sẽ cập nhật xu hướng thị trường như thế nào? Hiện các sàn thương mại điện tử có nhiều công cụ để nghiên cứu nhưng không thể thay thế cảm nhận kinh doanh, nên sẽ rất khó chính xác, chưa kể việc ship hàng mất 1-2 tháng tức là bị chậm.
So với Trung Quốc, doanh nghiệp Việt gặp nhiều vấn đề về logistics - tàu hàng không đi thẳng Mỹ mà phải qua Trung Quốc. Hiện nhà nước đưa nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn gặp khó khăn về thuế, hay khi chuyển tiền về phải qua nhiều khâu, như tỷ giá bất lợi....
Cuối cùng ông lưu ý doanh nghiệp cần trang bị chuyển đổi số, như Amazon công nghệ hiện đại, nhưng để đáp ứng về kỹ thuật không dễ, chúng ta cần luyện tập để hàng hóa vào ra tốt. Các vấn đề khác như bảo vệ thương hiệu, chăm sóc khách hàng thế nào khi khách hoàn trả, rồi hàng tồn thanh lý thế nào cũng là những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý.
-
15h45
Từ câu chuyện của ông Khánh Trình, bà Vũ Thị Thư, đại diện Tiki cho rằng đây là một trường hợp rất thực tế và tiêu biểu mà nhiều doanh nghiệp gặp phải khi tham gia thương mại điện tử. Doanh nghiệp này đã tận dụng lợi thế để thành công. Thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp còn đối mặt với khó khăn khi tham gia thương mại điện tử. Bà Thư cho rằng không có một phương án nào tuyệt đối cho doanh nghiệp Việt: có thể thử rồi thành công nhưng cũng có thử rồi thất bại và không phát triển được. Theo bà, để thành công, nhà bán hàng cần tìm hiểu quy luật từng sàn, khi đã bước chân vào mỗi sàn thì cần xây dựng cho mình sự quyết tâm và máu lửa giống như anh Trình. "Chúng ta cần tìm hiểu và kết hợp nhiều cách". Bà Thư cho biết, Tiki cũng như nhiều sàn TMĐT có học viện bán hàng. Tại đây các doanh nghiệp có thể xem những cách bán hàng trên Tiki để thành công và nhận sự tư vấn từ sàn. "Chỉ cần bạn mong muốn bán hàng thì Tiki sẽ hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua học viện bán hàng", bà Thư nói.
Chuyên gia Võ Trí Thành bổ sung, để thành công, các nhà bán hàng cần học những cái rất căn bản cộng thêm những va vấp thực tiễn.
-
15h35
Nói về quá trình đưa thương hiệu Việt ra thế giới, ông Lê Nguyễn Khánh Trình chia sẻ vào năm 2015, ông đặt kế hoạch tăng khai thác tiềm năng sản phẩm bằng cách bán hàng trên website thương mại điện tử toàn cầu.
Đầu tiên ông chọn Alibaba nhưng không thành công vì đặc thù sản phẩm. Sản phẩm mới mẻ, chưa có thương hiệu, người mua không biết chất lượng nên khó thuyết phục nhà buôn nước ngoài nhập số lượng lớn. Khó nữa, các đơn vị buôn sỉ luôn có tâm lý tìm đơn vị giá rẻ và thường so sánh với đơn vị sản xuất Trung Quốc - điều mà chúng ta không thể so sánh vì họ có quy mô lớn, giá thấp hơn. Vì vậy họ liên hệ hỏi chứ không mua. "Dù chúng tôi lập website quốc tế, lập đội bán nhưng không thành công", ông kể lại.
Năm 2016 tôi thử cách tiếp cận khác là trên Amazon và thành công vì họ hỗ trợ, cho phép người mua nhận toàn bộ tiền khi hàng kém chất lượng, sai mô tả. Chính sách này thu hút người mua lớn kể cả với thương hiệu mới vì họ tin có đơn vị hỗ trợ quyền lợi. May mắn sản phẩm xà đơn xếp của Khánh Trình không cạnh tranh quá cao nên người mua tìm được dù ông chưa biết cách chạy quảng cáo. "Sau đó chúng tôi tập trung quảng bá những khác biệt của Xà đơn Khánh Trình như: chất lượng tốt, thiết kế khác biệt đã đăng ký nhiều nước. Trong thời gian ngắn chúng tôi bán nhiều hàng, sau đó tìm cách giảm phí vận chuyển để tăng lợi nhuận. Lúc đầu ship trực tiếp từ Việt Nam mà xà đơn nặng nên phí khá đắt, sau đó chúng tìm các dịch vụ và các kho từ quốc gia khác, kể cả nơi rất xa, đảo quốc toàn cầu. Hiện nay sản phẩm đã gửi đến gần 80 nước", lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.
-
15h24
Những bài học từ thực tiễn để doanh nghiệp bứt phá cùng thương mại điện tử
Trong phần tiếp theo của chương trình, điều phối thảo luận - Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cùng các diễn giả là những người có trải nghiệm thực tế trò chuyện, thảo luận nội dung "Những bài học từ thực tiễn để doanh nghiệp bứt phá cùng TMĐT".
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, không phải doanh nghiệp nào tận dụng TMĐT đều thành công, thất bại cũng có, thách thức không ít: cạnh tranh quyết liệt, đòi tiền tài, kỹ năng, chiến lược, quy trình tham gia, cũng dễ đối mặt với rủi ro pháp lý.
Chính phủ Việt Nam có nhiều công sức hoàn thiện khuôn khổ phát lý cho kinh tế số, thương mại điện tử, nhưng cũng ngổn ngang nhiều vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, quyền lợi người tiêu dùng, xuyên biên giới càng phức tạp: đảm bảo độ tin cậy trong giao dịch điện tử, thể chế tích ứng các mô hình kinh doanh.
"Trước thực tế đó, buổi thảo luận hôm nay, chúng ta kỳ vọng được lắng nghe những người chơi thật trên thị trường, bên cạnh những bài khái quát, tôi nghĩ sẽ thiết thực cho những bạn đang hoặc có ý định gắn bó với thương mại điện tử, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp mình", Tiến sĩ Thành chia sẻ.
Mở đầu phiên thảo luận, ông Lê Nguyễn Khánh Trình - Giám đốc Công ty Cổ phần Khánh Trình chia sẻ câu chuyện thực tế làm thế nào đưa hàng Việt ra thế giới, đưa thương hiệu việt ra thế giới có sự góp sức của TMĐT.
Ông Trình bắt đầu kinh doanh năm 2010, với sản phẩm chính là xà đơn. Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, ông Trình nói, ông thường tập xà đơn từ năm 15 tuổi (trên các cành cây) nhằm cải thiện chiều cao và thấy hiệu quả thực sự. Nhưng khi đó ông vẫn chỉ là người tập và không có ý định kinh doanh. Tới khi đi làm ở ngân hàng lớn, ông Trình thấy đu xà giúp anh không đau mỏi lưng khi đi làm nhiều. Ý tưởng khởi nghiệp đến khi bão làm đứt nhánh cây gẫy, xà đơn xếp Khánh Trình đã ra đời vào 2010, với những đặc điểm an toàn, giá thành phù hợp...
Ngay khi đưa ra thị trường Việt Nam vào cuối 2010, ông Trình đã đăng ký sáng chế tại hơn 60 quốc gia khác nhau, ông cũng đã search thấy sản phẩm này khi đó chưa có trên thế giới, trong khi lại hiệu quả cao. Năm 2013 ông nghỉ việc tại ngân hàng và một năm sau đó thành lập công ty, nâng cấp sản phẩm cho ra đời các sản phẩm tốt hơn và dần trở thành nổi tiếng ở Việt Nam.
Năm 2017, sản phẩm của anh bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài qua sàn Amazon và được khách quốc tế ưa chuộng vì an toàn, chất lượng, đa năng. Hiện sản phẩm đến được với khách hàng hơn 70 nước. doanh thu 3-4 triệu USD mỗi năm. "Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển sâu rộng các thị trường mới như Nhật, Nga, Hàn, Australia...", ông Trình chia sẻ.
-
15h00
Thương mại điện tử bỏ hết khâu trung gian
Ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ câu chuyện thương mại điện tử xuyên biên giới, giới thiệu điều kiện tham gia và kỹ năng kinh doanh nhằm giúp các doanh nghiệp thành công khi tham gia. Theo ông Toàn, các doanh nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội.
Xu hướng phát triển thương mại điện tử là không thể đảo ngược. Trong khi bán lẻ toàn cầu giảm do Covid-19 thì bán lẻ qua thương mại điện tử lại tăng. Các con số thống kê và dự báo từ năm 2019 đến 2024 cho thấy TMĐT xuyên biên giới tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Tổng doanh số bán lẻ tăng bình quân hàng năm tăng 3,8%; Tăng trưởng doanh số bán lẻ qua TMĐT tăng 15%, Tỷ trọng của TMĐT trong tổng doanh số bán lẻ tăng 23,4%.
Theo ông top 5 mặt hàng làm nên sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử toàn cầu là thời trang và phụ kiện, điện tử dân dụng, đồ chơi và sở thích cá nhân, nội thất và đồ gia dụng, thực phẩm và chăm sóc cá nhân. Ông Toàn cho rằng trừ điện tử dân dụng, 4 ngành hàng còn lại rất tiềm năng với Việt Nam.
Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cho biết thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ xóa bỏ sự phức tạp của phương thức xuất khẩu truyền thống và tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu. Nếu xuất khẩu truyền thống sẽ đi từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu, rồi đến nhà nhập khẩu, tiếp theo sẽ là nhà phân phối, sau đó mới đến nhà bán lẻ trước khi đến tay người tiêu dùng thì TMĐT xuyên biên giới rút ngắn quãng đường, đi từ chủ thương hiệu hay nhà sản xuất qua nền tảng thương mại điện tử như Amazon và tới người tiêu dùng. TMĐT giúp loại bỏ trung gian sẽ giảm chi phí và tăng lợi nhuận, kiếm soát được thị trường và vòng đời của sản phẩm. Các doanh nghiệp thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới có thể tự định giá thương hiệu của mình.
Ông Toàn cho biết 5 năm qua, Amazon đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, Amazon giúp các nhà bán hàng tiếp cận khách hàng ở 200 quốc gia & vùng lãnh thổ, hỗ trợ 27 ngôn ngữ, có 1,3 triệu nhân viên toàn cầu, 185 trung tâm hoàn thiện đơn hàng, 190 Triệu Square feet, 46 máy bay vận chuyển, hơn 200.000 đơn vị Amazon Robotic, hơn 300 triệu khách hàng đang hoạt động trên toàn cầu, hơn 200 triệu+ thành viên trả phí Prime trên toàn cầu. "Chúng tôi có những chính sách hỗ trợ các nhà bán hàng Việt Nam tham gia Amazon", ông nói.
Ông cũng gợi ý các bước chuẩn bị giúp nhà bán hàng mới thành công trên Amazon, gồm: Định hướng chiến lược sản phẩm, định hướng đến khách hàng tiềm năng ở nước mà chúng ta định bán; Đa dạng hình thức vận chuyển; Lên kế hoạch đầu tư quảng cáo; Hoạch định kế hoạch kinh doanh trên Amazon, điểm cuối cùng và quan trọng nhất là xây dựng thương hiệu. Nếu có thương hiệu rồi vẫn cần định vị lại thương hiệu tại thị trường mà bạn định tham gia bán hàng.
Ông cũng đưa 3 lưu ý cho nhà bán hàng khi bắt đầu kinh doanh trên Amazon. Đó là có nhân sự chuyên trách, có chiến lược sản phẩm và thương hiệu, và hiểu rõ quy định của thị trường mục tiêu. Điểm cuối cùng rất quan trọng xác định sự thành bại ngay từ đầu của doanh nghiệp khi đưa hàng ra các thị trường quốc tế.
Ông Toàn cho biết, so với năm 2020, năm 2021 số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 100.000 USD trên Amazon tăng 18%; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 500.000 USD trên Amazon tăng 53%; số sản phẩm được bán bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng 34%...
Các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia năng động và tích cực trên nền tảng này, một số thương hiệu như gốm sứ Minh Long, cà phê Trung Nguyên.. Dịp này lần đầu tiên sàn này đưa ra gói bán háng khuyến khích nhà bán hàng Việt Nam mới trên Amazon với giá trị 50.000 USD gồm các phần thưởng doanh số.
-
14h50
Lộ trình phát triển cho doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử
Bà Vũ Thị Thư - Giám đốc kinh doanh khu vực Hà Nội sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, thương mại điện tử là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam từ nay đến năm 2025. Khi làm việc trên sàn có nhiều vấn đề, xoay quanh bốn nội dung lớn: kinh doanh đa sàn cần hiểu rõ cơ chế từng sàn; thứ hai là hiểu thị trường (ngách, mảng, đối thủ); ba là cần xây chiến lược ngắn lẫn dài hạn; cuối cùng là cần đầu tư dài hạn JBP.
Đầu tiên, khi mới tiếp cận các doanh nghiệp thường chọn một sàn vì họ có tâm lý e ngại chưa biết hướng phát triển, chưa quen. Tuy nhiên bà Thư nhấn mạnh doanh nghiệp nên kinh doanh đa sàn vì mỗi sàn có ưu thế, tập khách hàng, chính sách hỗ trợ riêng. Như Shopee có khách hàng lớn, giá rẻ, cách vận hành mở. Còn Tiki khách hàng tầm trung, có yếu tố phức tạp hơn nhưng đảm bảo độ tin cậy. Khi kinh doanh đa sàn mình sẽ tận dụng tiềm năng doanh nghiệp và lợi thế từ sàn để tối ưu hiệu quả.
Thứ hai, các doanh nghiệp mới lên sàn hay vội vàng mà quên phải tìm hiểu thị trường đối thủ. Mình cần biết đối thủ là ai, đang có độ lớn và cách thức vận hành thế nào, từ đó so sánh để phát huy điểm mạnh bản thân.
Sau phân tích thị trường, cần xây dựng chiến lược dài hạn. Với một doanh nghiệp, khi lên sàn thương mại điện tử cần xây dựng nhiều chiến lược, quan trọng nhất là giá và tồn. Trên thương mại điện tử, giá giúp định vị thương hiệu, có phù hợp khách hàng trên sàn không. Tiếp theo là kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm, phần này sẽ có bộ phận hỗ trợ từ sàn, giúp doanh nghiệp gây dựng tiếng vang và phát triển.
Thứ ba cần xây dựng tập khách hàng mới, có thể từ offline chuyển sang và đồng thời tiếp cận tập khách hàng sẵn có trên các kênh online. Khi xây dựng niềm tin từ người dùng, tốc độ phát triển mua sắm sẽ tăng theo. Tiếp theo là tận dụng cơ hội từ các chiến dịch quảng cáo - đặc trưng của các sàn. Ví dụ các ngày đôi 1/1, 2/2 - đây là các ngày được sàn tập trung ngân sách để tung khuyến mãi, kích cầu.
Ngoài việc khai thác tiềm năng tử sàn thì cần hiểu đây là câu chuyện hỗ trợ hai bên, doanh nghiệp cần đầu tư lượt tiếp cận ngoài sàn, marketing... Các sàn có công cụ nhà bán hàng B2B và C2C để các doanh nghiệp vận hành chủ động vận hành như: voucher cho người theo dõi, chăm sóc người dùng...
Kế hoạch tư vấn và chăm sóc sau bán cũng quan trọng. Nhiều doanh nghiệp chưa đánh giá mức độ phát triển nên chưa chuẩn bị về nhân lực dẫn đến thiếu sót, vì vậy mỗi đơn vị cần chuẩn bị: bán gì, giá thế nào, tập khách hàng, kế hoạch martketing, chăm sóc sau bán.
Bà Thư cũng nhấn mạnh doanh nghiệp không cần quá lo lắng vì các sàn có kế hoạch phát triển, hỗ trợ cho mọi doanh nghiệp. Chiến lược này cũng phù hợp doanh nghiệp phát triển sẵn trên sàn, giúp doanh nghiệp nhìn ra những thiếu sót để củng cố chiến lược.
Về mục tiêu đầu tư dài hạn, bà khuyến khích doanh nghiệp hãy trở thành đối tác chiến lược của sàn. Hầu hết các sàn thương mại điện tử đều có kế hoạch JBP - lộ trình phát triển toàn diện lâu dài trong khoảng 1-5 năm giúp doanh nghiệp hưởng nhiều quyền lợi ưu đãi hơn.