Thời trang đìu hiu thời dịch
Theo South China Morning Post, Covid-19 "tàn phá" ngành công nghiệp thời trang xa xỉ. Những khu phố mua sắm sầm uất tại London (Anh), Paris (Pháp) hay New York (Mỹ) rơi vào cảnh đìu hiu, vắng lặng. Các nhà máy sản xuất may mặc, cửa hàng ở Trung Quốc lẫn thế giới đóng cửa, dẫn đến doanh số bán lẻ giảm sâu. Đại dịch tác động mạnh đến các nhà bán lẻ và một số khu vực nhất định.
Theo báo cáo của công ty tư vấn McKinsey và Business of Fashion, doanh số ngành thời trang toàn cầu năm nay dự kiến giảm 27-30%. Riêng mặt hàng xa xỉ giảm 35-39%, tức khoảng 650 tỷ USD so với năm 2019. Nguyên nhân là các cửa hàng dừng hoạt động, chưa tính đến sự chậm trễ của chuỗi cung ứng và tác động tâm lý mà dịch gây ra cho khách.
Thời trang xa xỉ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Một số thương hiệu có thể biến mất sau đại dịch. Burberry, Prada và Michael Kors từng cảnh báo sự sụt giảm doanh số sắp tới. Nhiều hãng độc lập cũng đang vật lộn để duy trì hoạt động.
Ông Danielle Bailey - chuyên gia phân tích của L2 Gartner - cho rằng: "Các thương hiệu lớn ghi dấu với sự phân loại đa dạng, chú trọng giá trị, nhiều điểm phân phối... nên dễ bù đắp sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và các nguồn lực. Họ có lợi thế quyết định trong cuộc khủng hoảng như vậy".
Tuy nhiên, các thương hiệu xa xỉ quy mô nhỏ hơn không có nhiều ngân sách và dự trữ tài chính, ít có khả năng vượt chướng ngại. Nhiều người lo lắng khi các nhà máy hoạt động trở lại, các nhà mốt nhỏ dễ bị nhà sản xuất gạt sang một bên để ưu tiên khách hàng lớn hơn.
Ở diễn biến khác, theo chuyên gia xa xỉ phẩm Mario Ortelli, Covid-19 đang được kiểm soát tốt và ngành thời trang ở châu Á có cơ hội hồi phục.
Hy vọng từ thương mại điện tử
Theo số liệu nghiên cứu của nhiều chuyên trang mua sắm tại Trung Quốc cho thấy, thương mại điện tử trở thành tia hy vọng mới, giúp các thương hiệu đứng vững, ngay cả khi doanh số bán hàng giảm mạnh. Tuy nhiên, người giàu ở nước này đa phần trên 55 tuổi, ít mua sắm trực tuyến.
Ông Paco Underhill - nhà sáng lập công ty tư vấn Envirosell, kiêm tác giả cuốn Why we Buy: The Science of Shopping - cho biết: "Sự giàu có và kỹ thuật số không đồng hành cùng nhau, các thương hiệu xa xỉ phải học cách khiến trang web của mình thân thiện hơn với người dùng".
Paco Underhill dự đoán ngành thời trang hậu Covid-19 rất khác. "Mọi người sẽ dọn dẹp tủ quần áo và lo lắng tài khoản ngân hàng của họ. Tôi không nghĩ họ muốn mua những thứ quá phù phiếm. Các thương hiệu nên tập trung đưa ra những thứ tốt và thực tế hơn sau đại dịch", ông nói thêm.
Giai đoạn này, nhiều chuyên gia cho rằng các nhà quản lý thương hiệu nên đầu tư quảng cáo trực tuyến, không in ấn và chú ý đến truyền thông. Theo Paco Underhill: "Khi ở trong tình huống nguy hiểm, mọi người không muốn nghe về thời trang. Thay vào đó hãy quyên góp từ thiện hoặc tìm cách cải thiện tình hình. Khi dịch kết thúc, nhà mốt cần PR, marketing ở mức độ vừa phải".
Trung Quốc và các nước phương Tây sẽ có phản ứng khác nhau trước cuộc khủng hoảng. Giới thượng lưu Trung Quốc thường tập trung ở nhóm khách trẻ hơn so với châu Âu và Mỹ. Do đó, các thương hiệu đang hoạt động ở đất nước 1,4 tỷ dân sẽ hưởng lợi từ điều này, vì khách hàng của họ không bị ảnh hưởng khi đại dịch đi qua. Tuy nhiên, người trẻ có thể bị tác động nhiều hơn bởi thảm họa toàn cầu, ít có khả năng tiếp tục mua sắm bình thường.
Chuyên gia gợi ý các hãng xa xỉ nên tập trung chiến dịch địa phương hóa, đánh vào các thành phố nhỏ trong khu vực, thay vì hướng đến Paris, Hong Kong (Trung Quốc). "Điều này dẫn đến bước tiến mới trong tiếp thị kỹ thuật số, vì nCoV khiến mọi người tập trung ở địa phương nhiều hơn", Paco Underhill nói.
Trên South China Morning Post, Underhill cho rằng Thượng Hải và Bắc Kinh sẽ nhanh chóng phục hồi vì có nhịp sống nhanh. Người dân ở thành phố loại hai hoặc ba thường ít chi tiền cho thời trang xa xỉ. Hong Kong - nơi vừa vượt qua "cơn bão" kinh tế và chính trị cùng lúc - mất gấp đôi thời gian để phục hồi lĩnh vực may mặc.
Vân Bùi (Theo South China Morning Post)
Joolux là sàn giao dịch hàng hiệu chính hãng đã qua sử dụng, nơi cộng đồng đam mê hàng hiệu Việt có thể tham gia ký gửi, mua bán các sản phẩm cùng loạt dịch vụ hỗ trợ như: kiểm định, cho thuê và sửa chữa, phục hồi hàng hiệu. Người tiêu dùng và độc giả có thể đóng góp ý kiến dưới mỗi bài viết để cùng chia sẻ, kết nối với cộng đồng yêu thích hàng hiệu và thời trang cao cấp. |