Covid-19 đã làm thay đổi hành vi và cuộc sống của người dân toàn cầu để thích nghi với các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chuyển biến rõ rệt nhất trong năm qua là thói quen mua sắm từ truyền thống sang trực tuyến. Các ngành hàng chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng nhanh, thiết yếu như thực phẩm cũng tăng trưởng mạnh.
Thương mại điện tử Đông Nam Á sắp lọt top 3 thế giới
Theo báo cáo ghi nhận bởi Google, có hơn 40 triệu người dân Đông Nam Á lần đầu kết nối với internet trong năm 2020, tăng gấp 4 lần so với với chỉ 10 triệu người vào năm 2019. Trong đó, nhóm người dùng lên mạng mua hàng online lần đầu chiếm đến hơn 30% tổng người dùng thương mại trực tuyến của năm.
Mua sắm online mang lại nhiều lợi thế. Rõ rệt nhất là tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại, nghiên cứu sản phẩm tốt hơn và có điều kiện tiếp cận với đa dạng dịch vụ, sản phẩm hơn. Theo đó, có đến 9 trên 10 người sau khi thử trải nghiệm mua sắm online cho biết họ có ý định mua lại lần nữa với cùng mặt hàng và những sản phẩm khác nữa.
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ và nhanh chóng hiện tại, giới chuyên gia dự đoán đến năm 2025, ngành thương mại điện tử tại các nước Đông Nam Á rất có thể sẽ vượt mặt Anh - một trong những thị trường lớn nhất tại châu Âu lẫn thế giới của kinh doanh trực tuyến.
Anh hiện đứng thứ ba thế thế giới về lĩnh vực thương mại điện tử bán lẻ với 4,8% thị phần toàn cầu, sau hai "ông lớn" là Mỹ 19% và Trung Quốc 52,1%. Giá trị thương mại điện tử Đông Nam Á khi vượt qua Anh sẽ đồng nghĩa với khu vực này trở thành một trong ba thị trường dẫn đầu toàn cầu.
Trước đó, ngành thương mại điện tử khu vực này đã chứng kiến doanh số bán hàng chạm mức 62 tỷ USD trong năm 2020, tăng 63% so với 38 tỷ USD của năm 2019. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 23% mỗi năm và sẽ chạm mức 172 tỷ USD vào năm 2025.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm của Anh chỉ ở mức 3,5% mỗi năm trong vòng bốn năm tới. Đến năm 2025, thương mại điện tử bán lẻ tại nước này dự kiến chỉ ở ngưỡng 125 tỷ USD. Dựa theo những số liệu hiện tại, trong 3-4 năm tới, tốc độ tăng trưởng tại Đông Nam Á không chỉ vượt mặt Anh mà còn tạo khoảng cách đáng kể với 47 tỷ USD.
Miếng bánh béo bở cho các "ông lớn" thương mại điện tử
Một trong những động lực giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử Đông Nam Á là từ Thái Lan. Hiện người dân nước này đã quen thuộc với kiểu mua sắm trên các cửa hàng trực tuyến và ứng dụng công nghệ vào cuộc sống hàng ngày ngay cả trước đại dịch. Trong khi cách đây 5 năm, số người dùng internet tại nước này chỉ chiếm 1,9%.
Hiện tại thương mại điện tử ở Thái Lan được đón nhận nhiệt tình và tăng trưởng mạnh mẽ. Giới chuyên gia dự đoán rằng hơn một nửa dân số Thái Lan (khoảng 43,5 triệu người) sẽ là "người mua sắm trực tuyến"; gấp đôi số lượng người mua sắm vào năm 2017. Tổng giá trị thương mại điện tử của xứ sở chùa Vàng trên thực tế cũng dự kiến tăng lên 12,3 tỷ USD vào năm 2025.
Ngoài Thái Lan, Việt Nam cũng lọt top các quốc gia ghi nhận tăng trưởng thương mại điện tử nhanh chóng trong hai năm trở lại đây. Với những ảnh hưởng từ đại dịch, Việt Nam chỉ trong hai năm đã trở thành một trong những nước tiềm năng phát triển thương mại điện tử và logistics mạnh mẽ nhất khu vực.
Với sự gia nhập của nhiều "ông lớn" trong những năm gần đây, thương mại điện tử trong nước trở nên sôi động và ngày càng thu hút người dùng bởi nhiều khía cạnh. Ngoài không ngừng cải tiến công nghệ, giao diện thân thiện, dễ sử dụng để tăng trải nghiệm người dùng, những doanh nghiệp này còn tích cực đổi mới chương trình ưu đãi. Các đợt lễ hội mua sắm lớn không chỉ là cơ hội cho tín đồ mua sắm mở hầu bao mà còn là dịp cho nhà bán hàng, thương hiệu đối tác tập trung thúc đẩy doanh số.
Chính sách giao nhận, trả - hoàn hàng, bảo hành và bảo chứng thương hiệu từ các sàn thương mại điện tử lớn hiện nay cũng ngày càng hoàn thiện, giúp người mua hàng thoải mái tiếp cận loại hình mua sắm mới và hiện đại này. Đồng thời, chính họ cũng cung cấp cho các thương hiệu một kênh bán hàng đầy tiềm năng, dễ dàng kiểm tra doanh số bán hàng trực tuyến.
Kênh tiếp thị mới tiềm năng
Anthony Quinn, đối tác quản lý của Lodestar Marketing, chuyên về marketing liên kết trong khu vực, nhận định thương mại điện tử là phạm vi tiếp cận quan trọng mà các nhà bán hàng, thương hiệu có thể sử dụng để nâng cao lòng tin và thay đổi hành vi mua hàng của người dùng.
"Các sàn thương mại điện tử không ngại đầu tư hàng triệu USD vào việc tuyên truyền về những lợi ích của mua sắm trực tuyến, đồng thời khuyến khích người dùng quay lại và mua sắm thêm nhiều lần nữa bằng những hình thức marketing liên kết", Anthony cho hay.
Hiện tại thị trường Việt Nam, hình thức tiếp thị liên kết với sự tham gia của các KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) đã góp phần tăng thêm uy tín và bảo chứng về chất lượng sản phẩm trên thương mại điện tử. Họ là những người trực tiếp sử dụng và đánh giá sản phẩm, giúp tăng tính xác thực, tránh tình trạng quảng cáo quá đà. Theo đó, khách hàng có thể mua được sản phẩm tốt với giá tiết kiệm, KOL và livestreamer có thu nhập khả quan, còn các nền tảng thương mại điện tử thì có thêm nhiều người dùng mới...
Nhìn chung, đối với toàn khu vực Đông Nam Á, Covid-19 đã giúp thương mại điện tử có bước tiến mới, phát triển vượt trội chỉ trong hai năm 2020-2021. Những số liệu ấn tượng và kỷ lục doanh số, đơn hàng liên tục bị xô đổ đã tạo tiền đề vững chắc, dự kiến sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng và bùng nổ trong ít nhất bốn năm tới. Những thành công ghi nhận hiện tại được xem như cú hích, tạo đà phát triển mạnh mẽ cho thương mại điện tử Đông Nam Á, từng bước đưa khu vực này trở thành một trong những thị trường hàng đầu trên toàn thế giới vào năm 2025.
Thái Nghiên (Theo Bangkok Post)