Theo ghi nhận tại miền Nam của VnExpress, một số mặt hàng nông sản lại đang gặp khó trong việc tiêu thụ do thương lái Trung Quốc giảm thu mua. Ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, thanh long ruột đỏ loại ngon tại vườn hiện là 2.000-3.000 đồng một kg, những loại còn lại chỉ có giá vài trăm đồng. Cả tháng nay, 70% mặt hàng ở tỉnh này không xuất khẩu được đưa sang Trung Quốc. Trong khi đó, cùng thời điểm năm trước, giá thu mua thanh long ruột đỏ khoảng 20.000-25.000 đồng một kg.
“Họa may chỉ có được vài đối tác quen năn nỉ họ mới mua cho. Hiện nay, nông dân ở đây đang rất khốn khổ vì không biết tiêu thụ sản phẩm như thế nào. Nhiều hộ chỉ biết đứng nhìn trái thanh long thối dần theo ngày”, ông Ứng kể.
Ông cũng cho hay, trước đây chỉ cần bán 3-7 kg thanh long là người dân có đủ tiền chi phí cho sinh hoạt một ngày, nhưng nay bán cả trăm kg cũng không đủ, thậm chí còn không có khách mua.
Có phần lạc quan hơn so với ông Ủng, Phó chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận lại cho hay hiện sản lượng thanh long tại Bình Thuận chủ yếu xuất sang 2 thị trường Châu Âu và Trung Quốc (chiếm 80%). Hàng ở đây không ùn ứ nhưng tiêu thụ chậm hơn so với trước. Hiện thanh long ruột trắng được xuất khẩu với giá 145.000-150.000 đồng một thùng (21kg), tức hơn 7.000 đồng một kg.
Tiến sĩ Võ Mai, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho hay, hiện nay hầu hết 80% các loại cái cây của Việt Nam đều phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Đặc biệt thanh long, vải thiều và chuối là những sản phẩm được thị trường này tiêu thụ mạnh nhất.
Hiện Hội cũng đang đẩy mạnh tìm các thị trường mới cho trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, các thủ tục và hợp đồng đối với những thị trường mới này còn nhiều khó khăn, không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn cả mẫu mã.
Còn tại miền Bắc, do vào cuối vụ nên giá mặt hàng vải thiều đang tăng nhẹ. Bà Đỗ Thị Cúc, một người trồng vải tại Lục Ngạn cho biết, tại đây, việc thu mua vải của thương lái Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Do đang ở cuối giai đoạn thu hoạch nên giá bán có tăng nhẹ so với cách đây khoảng một tuần lễ. Cụ thể, giá từ 18.00-20.000 đồng một kg loại đẹp và 13.000-14.000 đồng loại vừa. Trong khi đó, thương lái mua để đánh hàng đi miền Nam thì thường chọn loại xấu hơn, có giá từ 7.000 đến 12.000 đồng.
Người dân trồng vải tại Lục Ngạn đều cho biết chưa ghi nhận khó khăn trong việc tiêu thụ trong thời gian vừa qua do đã vào cuối vụ, lượng hàng đã giảm dần. Ông Bùi Văn Cánh, chủ một vựa vải tại thị trấn Kép (Lạng Giang, Bắc Giang) cũng cho biết gần đây một số thương lái Trung Quốc đã trở về nước, những người ở lại cũng không còn nhiều.
“Có người lấy đủ hàng rồi nên về, người khác thì do gia đình… Hiện mỗi ngày lượng hàng xuất đi của tôi cũng ít hơn trước”, ông Cánh cho biết. Thời điểm đầu vụ, những ngày cao điểm gia đình ông có thể đóng cả trăm tấn vải để đưa lên xe xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), ngày ít cũng được hơn 30 tấn.
“Bây giờ một ngày đóng được 2 xe, tương đương khoảng 25-26 tấn vải", ông Cánh nói.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết theo báo cáo của các cục, chi cục hải quan, việc giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Chỉ có những giao thương qua những con đường tiểu mạch (những con đường mòn) giữa thương lái hai nước là bị hạn chế hơn do nước này muốn quản lý việc đi lại của cư dân hai nước ven biên giới.
Vị này cũng nhận định, việc Trung Quốc cấm biên là chuyện hàng năm thường xảy ra, đặc biệt vào những thời điểm nông sản như dưa hấu, vải thiều... được thu hoạch rộ. Tuy nhiên, theo ông, trong nhiều trường hợp là do thương lái nước này tự ý phá hợp đồng, không chịu nhập hàng, gây áp lực cho người nông dân Việt Nam để giảm giá bán. Không phải lúc nào cũng là chính sách của chính quyền nước này.
Song Hà - Anh Quân