Tại cuộc họp chiều 27/6, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã nhận được thông tin phía Trung Quốc đang tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch về thương mại, thậm chí có cửa khẩu sẽ dừng giao thương nông sản. Theo bộ, thị trường nông sản Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không ổn định do nông sản Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam khẳng định, Bộ đã tính đến phương án ứng phó. “Hai Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp đã làm việc bàn các giải pháp, để tránh bị động khi tình huống này xảy ra”, ông Tám tiết lộ.
Bộ NN&PTNT và Công Thương đã có kịch bản ứng khó với tình huống Trung Quốc siết xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Ảnh: Khánh Chi. |
Cục Chế biến Nông lâm sản và thủy sản cho biết 6 tháng đầu năn, kim ngạch xuẩt khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản tăng 12,7% so với cùng kỳ, đạt 15 tỷ USD. Trong đó gạo, cao su xuất sang Trung Quốc chiếm gần 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng. Thanh long, vải và rau quả cũng là những mặt hàng xuất chính sang Trung Quốc. Riêng vải, chủ yếu là vải thiều, thương lái Trung Quốc thông qua đầu mối Việt Nam để thu mua. Cục cho hay, trong tháng 5 và tháng 6, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chững lại do tâm lý.
Theo Bộ 6 tháng đầu năm thời tiết thuận lợi cho khai thác hải sản. Tuy nhiên, tình hình biển Đông phức tạp khiến tình hình khai thác hải sản trên biển của ngư dân bị ảnh hưởng. Sản lưởng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 1,41 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Trước đó, bài toán giảm lệ thuộc vào Trung Quốc cũng được Bộ Công Thương nhiều lần đưa ra. Bộ đang khuyến khích đưa mặt hàng vải thiều vào các tỉnh phía Nam để giúp loại trái cây nổi tiếng này có đầu ra ổn định lâu dài, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, để giảm nhập siêu từ Trung Quốc, cần tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu, trong đó, biện pháp quyết liệt là người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Ông phân tích, nếu tất cả người dân ưu tiên dùng hàng Việt sẽ tạo ra kim ngạch không nhỏ, từ may mặc đến ăn uống. Theo ông Hải, vấn đề ưu tiên dùng hàng Việt được đặt ra nhiều lần nhưng doanh nghiệp địa phương chưa làm quyết liệt. Do vậy, căng thẳng ở Biển Đông là cú hích để “làm mạnh hơn” nhằm đưa kinh tế đi lên.
"Sự kiện tháng 5 khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan vừa rồi là một cú hích đẩy chúng ta phải làm mạnh hơn các giải pháp giảm nhập siêu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, kêu gọi mọi người dân ưu tiên dùng hàng Việt", ông Hải chia sẻ.
Hà Lan Hương