Nhiệt độ tại ga tàu Từ Gia Hối ở quận Từ Hối, trung tâm Thượng Hải, trưa 29/5 là 36,1 độ C và tăng thêm trong buổi chiều, lên 36,7 độ C, Cục Khí tượng Thượng Hải cho biết. Đây là nhiệt độ tháng 5 cao nhất tại Thượng Hải, vượt kỷ lục 35,7 độ C ghi nhận lần đầu vào tháng 5/1876 và ba năm 1903, 1915 và 2018.
Giới chức Thượng Hải ngày 29/5 cũng phát cảnh báo vàng, lần đầu tiên trong năm 2023, do nhiệt độ thành phố trên 35 độ C ba ngày liên tiếp. Đây là cấp thấp nhất trong ba cấp cảnh báo, sau màu cam và màu đỏ. Cảnh báo cam và đỏ được kích hoạt nếu nhiệt độ được dự báo vượt 37 độ C và 40 độ C trong vòng 24 giờ.
Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc, nằm ở bờ biển phía đông nước này và có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, nhiệt độ trong mùa hè thường không vượt quá 35 độ C. Tuy nhiên, thành phố này gần đây hứng chịu thời tiết ngày càng cực đoan hơn.
Trời nóng bất thường chiều 29/5 khiến người dân Thượng Hải cảm thấy ngột ngạt, một số ứng dụng thời tiết hiển thị cảm nhận thực tế là hơn 40 độ C. "Tôi gần như bị say nắng, nóng đến mức muốn nổ tung", một tài khoản đăng trên Weibo.
"Đây là vấn đề môi trường, thế giới đang ngày càng nóng lên", người đàn ông họ Wu nói với AFP. "Tôi thấy mùa hè nóng hơn qua các năm. Tôi phải bật điều hòa sớm hơn trước".
Thượng Hải và nhiều tỉnh miền nam Trung Quốc liên tục hứng chịu các đợt nắng nóng đến sớm của mùa hè kể từ tháng 3. Một số khu vực sẽ tiếp tục trải qua nắng nóng cực đoan trong vài ngày tới và các chuyên gia thời tiết dự báo năm nay sẽ là một mùa hè khắc nghiệt.
Trong 3-5 ngày tiếp theo, nhiệt độ cao nhất tại một số thành phố ở Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, sẽ lên tới 38 độ C, có nơi tăng lên 42 độ C. Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết khu vực miền nam, trong đó có các tỉnh Quý Châu, Vân Nam và Tứ Xuyên, nhiệt độ có thể tăng lên mức hơn 35 độ C đến ngày 31/5.
Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục hồi đầu tháng 5 như Ấn Độ, Thái Lan, Lào. Giới khoa học nhận định các đợt nắng nóng ngày càng tồi tệ, cho thấy ảnh hưởng từ tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra ngày càng tăng.
Ấn Độ ghi nhận nhiệt độ trên 44 độ C tại một số khu vực hồi giữa tháng 4, khiến ít nhất 11 người ở gần thành phố Mumbai tử vong do say nắng trong cùng một ngày. Tại Bangladesh, thủ đô Dhaka đã ghi nhận ngày nóng nhất trong gần 60 năm qua.
Thành phố Tak, Thái Lan, ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 45,4 độ C, trong khi tỉnh Sainyabuli, Lào, có nhiệt độ cao nhất lịch sử nước này 42,9 độ C, theo nghiên cứu của Nhóm Phân bổ Thời tiết Thế giới (WWA).
Liên Hợp Quốc đầu tháng 5 cảnh báo gần như chắc chắn 2023-2027 sẽ là giai đoạn 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận, với các loại khí gây hiệu ứng nhà kính và hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ tăng tại nhiều khu vực trên thế giới.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)