Đầu tháng 8, Ủy ban Giáo dục thành phố Thượng Hải ban hành thông báo mới, yêu cầu trường học tổ chức thi cuối kỳ môn Toán và năng khiếu tiếng Trung cho học sinh lớp 3 và 5. Các môn còn lại, gồm cả tiếng Anh, vẫn sẽ được đánh giá nhưng không phải bằng hình thức kiểm tra cuối kỳ.
Tiếng Anh là một phần chính trong yêu cầu học tập của học sinh Thượng Hải. Nhưng vào năm 2004, quan chức thành phố đã cấm thi môn học này. Xiong Bingqi, Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21, cho biết mục đích chính của quyết định năm 2004 cũng là giảm gánh nặng thi cử. Tuy nhiên, một số trường tiếp tục tổ chức thi bằng nhiều hình thức như làm bài tập trước khi kết thúc kỳ học. Do đó, quy định cấm này dần bị bỏ qua.
Theo Xiong, việc hủy bỏ các kỳ thi tiếng Anh với học sinh nhỏ tuổi không có nghĩa rằng môn học này trở nên kém quan trọng. Tổng điểm Tiếng Anh trong zhongkao và gaokao, hai kỳ tuyển sinh quan trọng nhất của Trung Quốc, giá trị 150 điểm, bằng với tiếng Trung và Toán. "Không có bất kỳ trường học, học sinh hay phụ huynh nào dám bỏ qua môn học này", ông nói.
Vào tháng 3, trong cuộc họp Quốc hội Trung Quốc thường niên, đại biểu Xu Jin, thành viên Ủy ban Trung ương của đảng Học xã Cửu Tam và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), đề nghị không đặt tiếng Anh và các ngoại ngữ khác ngang hàng với tiếng Trung và Toán học trong chương trình giáo dục bắt buộc, từ đó loại bỏ môn này trong kỳ thi đại học.
Gần một tháng sau, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo ngừng tổ chức kỳ thi Main Suite (MSE), một chứng chỉ tiếng Anh của Cambridge. Theo các chuyên gia giáo dục, động thái của Bộ nhằm khuyến khích học sinh và phụ huynh không nên quá coi trọng và tự tạo áp lực cho mình với các kỳ thi ngoài trường học. Thay vì quá tập trung vào chứng chỉ ngoại ngữ, các gia đình nên quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ.
Một số khác lại cho rằng đây là động thái đáng chú ý của Bộ Giáo dục sau khi tiếp nhận đề xuất bỏ tiếng Anh là môn học chính tại Trung Quốc. Việc không tổ chức các kỳ thi chuẩn hóa sẽ phần nào tác động, giảm mức độ quan trọng của tiếng Anh tại đất nước này.
Thanh Hằng (Theo SCMP)