Lệnh phong tỏa hiện được áp dụng với toàn bộ 26 triệu dân của trung tâm tài chính Thượng Hải, sau khi giới chức tuyên bố gia hạn các biện pháp hạn chế ở khu vực phía tây thành phố cho đến khi có thông báo mới. Thượng Hải đã ghi nhận kỷ lục 13.086 ca nhiễm vào ngày 4/4, tăng từ 8.581 ca một ngày trước đó.
Ít nhất 38.000 nhân viên chống dịch từ các địa phương khác đã được điều động tới Thượng Hải. Truyền thông Trung Quốc mô tả đây là chiến dịch y tế lớn nhất trên toàn quốc kể từ khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa đầu năm 2020.
Trước khi áp lệnh phong tỏa toàn thành phố, Thượng Hải thi hành chính sách phong tỏa từng phần phía đông và phía tây, với hy vọng kiểm soát được đợt bùng phát dịch do biến chủng Omicron mà không gây tê liệt các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, chính sách cách ly của Thượng Hải đã bị chỉ trích khi để người không có triệu chứng ở cùng những người có triệu chứng hoặc tách trẻ em khỏi cha mẹ. Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải cho biết một khu điều trị tạm thời đã mở thêm 1.000 giường để điều trị cho cha mẹ và trẻ em, nhưng không rõ liệu có thay đổi chính sách nào lớn hơn hay không.
Dù ngày càng nhiều người dân bày tỏ nỗi thất vọng với lệnh phong tỏa trên mạng xã hội, giới chức địa phương chưa có dấu hiệu thay đổi quan điểm chống dịch.
"Công tác phòng chống dịch bệnh của Thượng Hải đang trong giai đoạn khó khăn nhất và quan trọng nhất", Ngô Càn Du, một quan chức của ủy ban y tế thành phố, nói. "Chúng ta phải tuân thủ chính sách dập dịch chung mà không được phép do dự hay dao động".
Thượng Hải đã áp đặt những biện pháp hạn chế cứng rắn vào tuần trước, khi phải vật lộn ngăn đợt bùng phát lớn nhất. Hàng nghìn người đã phải cách ly trong các cơ sở điều trị sau khi có kết quả dương tính, dù có hay không có triệu chứng.
Trần Nhĩ Chân, bác sĩ phụ trách một cơ sở cách ly ở Thượng Hải, cuối tuần trước nói có khả năng giới chức sẽ thay đổi hướng dẫn cách ly, cho phép người không có triệu chứng ở nhà, đặc biệt nếu ca nhiễm mới tăng mạnh.
"Điều quan trọng nhất là vấn đề tuân thủ quy định phòng dịch cá nhân", ông nói.
Phó thủ tướng Trung Quốc phụ trách về Covid-19 Tôn Xuân Lan kêu gọi giới chức "làm mọi thứ có thể" để giải quyết khó khăn của người dân trong khu vực phong tỏa, như thiếu thuốc men, thực phẩm và nước uống.
Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược "Không Covid" trong suốt hơn hai năm đại dịch bùng phát, bất chấp cái giá mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải trả ngày càng tăng.
Khoảng 23 thành phố Trung Quốc hiện phải phong tỏa một phần hoặc toàn bộ, với khoảng 198 triệu người bị ảnh hưởng. Các khu vực bị phong tỏa chiếm khoảng 13,6% GDP của Trung Quốc, theo công ty môi giới Nomura hôm 5/4.
Thanh Tâm (Theo Reuters)