Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu thống đốc New Jersey Chris Christie và cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani đều được tiêm kháng thể đơn dòng khi họ điều trị Covid-19.
Bất chấp các yếu tố nguy cơ như tuổi tác và cân nặng khiến bệnh tình của họ dễ trở nặng sau khi nhiễm virus, họ vẫn phục hồi rất tốt, dù Christie phải dành một tuần trong phòng chăm sóc đặc biệt. Trump thậm chí còn ca ngợi kháng thể đơn dòng như một loại "thuốc thần" trong điều trị Covid-19, cho hay nó giúp ông như trẻ ra nhiều tuổi.
Trump từng rất ấn tượng với kháng thể đơn dòng trong điều trị Covid-19 và hứa sẽ cung cấp miễn phí chúng cho tất cả người dân Mỹ. Từ đó đến nay, chính phủ Mỹ đã mua và chuyển hơn 250.000 liều kháng thể đơn dòng đến các bệnh viện trên khắp đất nước.
Nhưng chỉ một phần nhỏ những liều thuốc này đến được tay người dân, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar hôm 21/12 cho biết. Lý do bắt nguồn từ cả yếu tố khoa học, chính trị lẫn thách thức về hậu cần, nhân sự.
Kháng thể là một protein được cơ thể sản sinh tự nhiên giúp chống nhiễm trùng. Kháng thể đơn dòng gồm các kháng thể giống hệt nhau do cùng một dòng tương bào sản xuất. Chúng có tính đặc hiệu đối với từng loại bệnh nhưng đã được chứng minh là có hiệu quả trong nhiều trường hợp như đối với bệnh Ebola, viêm khớp dạng thấp hay một số bệnh ung thư.
Nhưng các nghiên cứu hiện chưa rõ ràng về việc liệu kháng thể đơn dòng có giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn không. Hai hội đồng chính chuyên trách đưa ra khuyến nghị về cách điều trị Covid-19 không ủng hộ việc sử dụng kháng thể đơn dòng. Vì thế, các bác sĩ hiện vẫn do dự khi sử dụng chúng trong kê đơn điều trị.
"Dù trông đầy hứa hẹn, chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy kháng thể đơn dòng mang đến lợi ích về mặt lâm sàng", tiến sĩ Rajesh Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Trường Y Harvard, thành viên thuộc cả hai hội đồng chuyên trách nêu trên, cho hay.
Theo Gandhi, hầu hết các bệnh nhân bình thường nhập viện đều trong tình trạng nặng và khó có thể hưởng lợi từ phương thuốc này. Bên cạnh đó, việc vận chuyển thuốc đến những bệnh nhân chưa yếu đến mức phải nhập viện cũng rất khó khăn.
Các bệnh viện không có đủ nhân viên để vận chuyển kháng thể đơn dòng bởi Covid-19 đang khiến họ quá tải và họ còn bận rộn với việc tiêm chủng.
Mặt khác, việc điều trị bằng kháng thể đơn dòng khó áp dụng diện rộng trong bối cảnh hiện nay, bởi nó đòi hỏi phải truyền vào cơ thể bệnh nhân trong một giờ và theo dõi trong hai giờ sau đó.
Tuần trước, chỉ khoảng 20% trong 250.000 liều kháng thể đơn dòng mà chính phủ chuyển tới các bang được sử dụng, theo một phát ngôn viên Bộ Y tế.
Theo cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb, những bệnh nhân bình thường sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm những bác sĩ hay trung tâm có thể truyền kháng thể đơn dòng.
Hồi tháng 10, khi Trump nhiễm Covid-19, ông nằm trong chưa đầy 10 người được điều trị theo "trường hợp khẩn cấp" bằng phương pháp kháng thể đơn dòng do hãng dược phẩm Regeneron Pharmaceuticals cung cấp bên ngoài thử nghiệm lâm sàng. Cựu thống đốc New Jersey Christie cũng nhận được thuốc theo cách này.
Kể từ những ngày đầu dịch mới bùng phát, giới chức y tế Mỹ đã hứa hẹn rằng kháng thể đơn dòng sẽ là phương thuốc giúp thay đổi cục diện trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ngày 2/3, tại một cuộc họp ở Nhà Trắng với giám đốc các công ty dược, tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên nhóm chuyên trách phản ứng với đại dịch của chính phủ, đã ca ngợi về sự kết hợp giữa kháng thể đơn dòng cùng vaccine và những loại thuốc khác trong điều trị Covid-19. "Nó thực sự đáng khích lệ", bà nói.
"Nó rất thú vị. Và tốc độ phát triển cũng rất tốt", Tổng thống Trump đáp lời.
Hai tháng sau, chính phủ thông báo thành lập Chiến dịch Thần tốc, một nỗ lực trị giá 10 tỷ USD nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển vaccine, thuốc cùng phương pháp chẩn đoán chống Covid-19.
Vaccine đã được nghiên cứu và phát triển trong thời gian kỷ lục, nhưng theo Gottlieb, chính phủ chưa thực sự hành động đủ nhanh để tăng cường năng lực sản xuất kháng thể đơn dòng.
Ông cho rằng giới chức nên sử dụng thẩm quyền của chính phủ để yêu cầu các công ty dược sản xuất kháng thể đơn dòng cho Covid-19. Nếu chính phủ bắt tay sản xuất kháng thể sớm hơn và người dân hiểu rõ về tiềm năng của nó, nước Mỹ có thể sẽ không rơi vào tình cảnh như hiện nay, Gottlieb nhấn mạnh. "Chỉ là chúng ta đã không làm đủ quyết liệt".
Gandhi, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, tin rằng các thử nghiệm lâm sàng đối với kháng thể đơn dòng cũng có thể tiến triển nhanh hơn. "Những kháng thể này sẽ sớm cho chúng ta câu trả lời", ông nói. "Sẽ rất tuyệt nếu câu trả lời có từ vài tháng trước".
Dù dữ liệu còn hạn chế, kháng thể đơn dòng nhìn chung có vẻ an toàn. "Tôi nghĩ hai loại khoáng thể đơn dòng này có thể là cứu tinh và giúp ngăn ngừa các trường hợp nhập viện", Moncef Slaoui, nhà khoa học trưởng tại Chiến dịch Thần tốc, hôm 21/12 nói, đề cập tới hai loại kháng thể của công ty dược phẩm Eli Lilly và Regeneron. "Chúng hiệu quả trong việc loại bỏ virus và tạo thêm thời gian cho phản ứng miễn dịch của chính bệnh nhân để loại bỏ bất kỳ virus nào còn sót lại. Mặt khác, chúng còn phát huy hiệu quả rất tốt trong việc giảm tải lượng virus trong máu bệnh nhân".
Trong các thử nghiệm lâm sàng nhỏ, cả kháng thể của Lilly và Regeneron dường như đều giúp bệnh nhân không phải nhập viện. Cả hai loại đều được FDA phê chuẩn cho sử dụng khẩn cấp.
Tuy nhiên, theo Gandhi, hiện chưa rõ liệu việc giảm một số tải lượng virus có giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn hay cứu tính mạng họ không, trong khi các nghiên cứu đến nay vẫn còn quá nhỏ nên không thể hoàn toàn tin tưởng vào chúng. Đây là lý do mà các hướng dẫn của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm và Viện Y tế Quốc gia Mỹ không ủng hộ sử dụng các kháng thể đơn dòng trong điều trị rộng rãi Covid-19.
Vũ Hoàng (Theo USA Today)