Nhà hóa học Thụy Sĩ Paul Hermann Muller năm 1939 phát hiện DDT (Dichloro-Diphenyl-Trichloroethane), chất hữu cơ cao phân tử tổng hợp ở dạng bột trắng không tan trong nước, có hiệu quả cao trong việc diệt côn trùng. Công ty của ông, J.R. Geigy, được cấp bằng sáng chế cho hợp chất này.
DDT hấp thụ qua chân của côn trùng và ăn vào tế bào thần kinh, khiến chúng co giật liên hồi và chết, nhưng không có tác dụng với động vật có vú.
Mỹ và các đồng minh đã mua giấy phép DDT từ Geigy và sản xuất hàng loạt để hạn chế bệnh sốt rét và sốt phát ban trong Thế chiến II. Dịch sốt rét khi đó nguy hiểm đến mức nó được truyền thông gọi là "kẻ thù khác trên chiến trường". Thời hậu chiến, DDT được coi là "thuốc thần" và được nông dân sử dụng rộng rãi để bảo vệ mùa màng. Hai triệu tấn thuốc đã được phun ra.
Năm 1955, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) nỗ lực xóa sổ bệnh sốt rét và đã thu được thành công ở một số nơi, nhưng nhiều con muỗi sau đó kháng thuốc và dịch bệnh lại trỗi dậy. Bước ngoặt khiến DDT bị hạn chế sử dụng là cuốn sách "Mùa xuân im lặng" xuất bản năm 1962 của Rachel Carson, ghi lại sự tàn phá sinh thái do sử dụng thuốc diệt côn trùng bừa bãi. Các phân tử DDT tồn tại trong nhiều thập kỷ và tích lũy ở động vật nằm tại vị trí cao hơn trong chuỗi thức ăn. Mỹ cấm sử dụng DDT vào năm 1972 và nhiều quốc gia khác sau đó cũng ban hành các lệnh tương tự.
Michael D. Ward và Bart Kahr, giáo sư hóa học tại Đại học New York, phát hiện thông tin về thuốc diệt côn trùng DFDT (Difluoro-Diphenyl-Trichloro-Ethane) do các nhà khoa học Đức Quốc xã phát triển, khi tìm kiếm dữ liệu khoa học ban đầu về DDT. Hợp chất này tương tự DDT, ngoại trừ việc các nguyên tử fluorine thay thế hai nguyên tử chlorine.
Người Đức phát triển DFDT một phần để tránh trả phí mua giấy phép DDT cho người Thụy Sĩ. Cũng có thể các thành phần hóa học để sản xuất DFDT, mặc dù đắt hơn đáng kể vào thời điểm đó so với DDT, có sẵn ở Đức trong thời chiến.
Các nhà khoa học Đức nói rằng DFDT hiệu quả hơn hẳn DDT. Tuy nhiên, các quan chức quân sự phe Đồng minh cho rằng họ khoác lác. Phe Đồng minh cũng nghi ngờ về Hoechst, công ty hóa chất đã phát triển loại thuốc này, vì họ ép buộc công dân của các quốc gia bị Đức chiếm đóng phải làm việc trong nhà máy của mình và thử nghiệm thuốc trên các tù nhân ở trại tập trung.
Khi DDT bị nhiều nước cấm sử dụng, DFDT cũng bị lãng quên, ngay cả sau khi Paul Hermann Muller, người giành giải Nobel Y học năm 1948 vì công trình nghiên cứu về DDT, đã ca ngợi rằng DFDT giết muỗi nhanh hơn. Trong các thí nghiệm của Đại học New York, DFDT giết một nửa số muỗi dính phải thuốc trong khoảng nửa giờ, trong khi DDT cần đến vài giờ.
"Nếu chúng ta dùng DFDT thay thế DDT thì nỗ lực xóa sổ bệnh sốt rét năm 1955 có thành công hay không? Chuyện gì xảy ra nếu chất này không bị lãng quên. Thế giới sẽ như thế nào?", Kahr nói.
Nhiều chuyên gia không tin rằng DFDT là giải pháp để phòng ngừa sốt rét hay các bệnh lan truyền qua muỗi như sốt xuất huyết, sốt Zika hay sốt vàng vì sự tương đồng trong cấu trúc hóa học của nó với DDT. Họ cho rằng muỗi vẫn sẽ kháng thuốc nếu DFDT được sử dụng. Thay vào đó, hy vọng lớn hơn là tìm ra hóa chất mới, diệt muỗi thông qua các cơ chế sinh học khác nhau. Một số đang trong quá trình phát triển và có thể được đưa vào sử dụng trong hai đến ba năm tới.
Ward phản biện rằng các nhà nghiên cứu đôi khi phát hiện rằng chỉ cần một thay đổi nguyên tử duy nhất cũng có thể tạo ra thay đổi đáng kể hành vi hóa học của một phân tử. Bà lên kế hoạch hợp tác với Ke Dong, nhà côn trùng học tại Đại học bang Michigan, để thử nghiệm DFDT trên muỗi kháng DDT. "Rồi chúng ta sẽ thấy", bà nói.
Nếu DFDT có thể giết chúng thì nó có khả năng là công cụ mới quan trọng để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua muỗi. Nguy cơ muỗi kháng thuốc có thể được giảm thiểu bằng cách chuyển đổi thuốc định kỳ và chỉ cần lượng nhỏ thuốc để chiến đấu với bệnh sốt rét, chủ yếu để phun trong nhà chứ không phải là phun ngoài trời như trước đây.
"Những gì các nhà bảo vệ môi trường không nói và không nhận ra là nếu chất này được sử dụng cho y tế chứ không phải nông nghiệp thì có rất ít tác động đến môi trường", Duane J. Gubler, giáo sư danh dự trong chương trình bệnh truyền nhiễm của Đại học Duke và Đại học Y khoa Quốc gia Singapore, nói.
Các nhà hóa học ở Đại học New York cho rằng sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh lập luận đó. "Chúng tôi chưa thể nói trước các tác động môi trường hay ảnh hưởng đến hệ sinh thái", Kahr cho biết. "Những vấn đề này sẽ phải được nghiên cứu bởi các nhà khoa học khác chứ không phải chúng tôi".
Phương Vũ (Theo NYTimes)