Nhiều người yêu khoa học vũ trụ phấn khích khi tuần này, NASA xác nhận tàu thăm dò Parker đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên "chạm vào Mặt Trời" trong chuyến bay hồi tháng 4. Ngoài ra, NASA cũng công bố video time-lapse ghi lại quá trình con tàu lao vào vành nhật hoa (lớp khí quyển ngoài của Mặt Trời) trong chuyến tiếp cận Mặt Trời thứ 9 diễn ra hồi tháng 8. Video được tổng hợp từ những hình ảnh do công cụ WISPR trên tàu Parker chụp ngày 8 - 12/8.
Trong video, Dải Ngân Hà xuất hiện vào giây thứ 2 ở phần nền phía sau. Hàng loạt vệt sáng mà tàu Parker lao qua thực chất là dải nhật hoa - những vòng khổng lồ gồm plasma và khí mang điện tích kết nối hai khu vực đối cực trên Mặt Trời. Chúng được mở rộng bởi gió Mặt Trời và phát sáng như vậy vì chứa đầy electron. Chúng thường chỉ có thể nhìn thấy từ Trái Đất trong nhật thực.
Một số hành tinh trong hệ Mặt Trời cũng xuất hiện trong video, dù NASA vẫn chưa xác nhận cụ thể. Theo nhà vật lý thiên văn Grant Tremblay tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard - Smithsonian và hai nhà khoa học Karl Battams, Andrew Phillips, người xem sẽ lần lượt nhìn thấy sao Hỏa, sao Thủy, sao Kim, dải Ngân Hà, sao Thổ, cuối cùng là Trái Đất và sao Mộc.
Nghe có vẻ con tàu đã quan sát được rất nhiều chỉ trong vòng năm ngày. Tuy nhiên, điều này cũng hợp lý vì tàu Parker di chuyển với tốc độ rất cao, lên tới 529.200 km/h. Nó đến gần Mặt Trời rồi bay ra xa thật nhanh, tiến hành đo môi trường Mặt Trời với một loạt thiết bị nằm sau tấm chắn nhiệt dày.
Tàu Parker vẫn còn 15 chuyến tiếp cận Mặt Trời và thu thập thêm lượng lớn dữ liệu trong 4 năm để các nhà khoa học phân tích. Khi nó hoàn thành nhiệm vụ, con người có thể hiểu thêm nhiều điều về ngôi sao bí ẩn cung cấp năng lượng cho Trái Đất.
Thu Thảo (Theo Science Alert)