Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) chia sẻ video ghi lại khoảnh khắc robot tự hành Pragyan của tàu Chandrayaan-3 đặt bánh lên bề mặt Mặt Trăng lần đầu tiên, cũng như hình ảnh của robot và trạm đổ bộ chụp từ quỹ đạo. Dù robot Pragyan rời khỏi bệ hạ cánh vào 10 giờ ngày 24/8 theo giờ Hà Nội, khoảng một ngày sau ISRO mới công bố thước phim về khoảnh khắc lịch sử.
Video quay bằng camera trên trạm đổ bộ Vikram của nhiệm vụ Chandrayaan-3 quay Pragyan trang bị pin quang năng dựng thẳng đứng giống cánh buồm lăn bánh khỏi cầu dẫn và để lại vệt bánh xe trên lớp bụi của Mặt Trăng lần đầu tiên. Một clip khác ghi lại chuỗi sự kiện trước đó, gồm cửa dẫn của trạm đổ bộ mở ra, hé lộ robot tự hành bên trong và robot triển khai tấm pin quang năng. Cầu dẫn hai đoạn giúp robot dễ dàng lăn cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, theo ISRO. Tấm pin quang năng cho phép robot sản xuất điện.
ISRO chia sẻ cần 26 bộ phận cơ khí để giải phóng robot từ trạm đổ bộ một cách trơn tru, tất cả đều được phát triển tại Trung tâm vệ tinh Rao ở Bangalore, thủ phủ bang Karnataka. Cuối ngày 24/8, ISRO thông báo Pragyan đã đi được 8 m, mọi hệ thống trên trạm đổ bộ và robot tự hành đều hoạt động tốt.
ISRO đăng bức ảnh chụp Pragyan và trạm đổ bộ đứng cạnh nhau trên bề mặt Mặt Trăng, chụp từ quỹ đạo bởi nhiệm vụ khác của Ấn Độ là tàu Chandrayaan-2. Camera độ phân giải cao (OHRC) của tàu bay quanh quỹ đạo Chandrayaan-2, phát hiện trạm đổ bộ của Chandrayaan-3 sau khi phương tiện hạ cánh xuống cực nam.
Nhiệm vụ Chandrayaan-2 là tiền thân của Chandrayaan-3 và nỗ lực hạ cánh trên Mặt Trăng đầu tiên của Ấn Độ. Tuy nhiên, nỗ lực đó thất bại vào tháng 9/2019 do trục trặc phần mềm. Hạ cánh trên Mặt Trăng là việc cực kỳ khó khăn. Với Chandrayaan-3, Ấn Độ gia nhập số ít quốc gia từng đạt thành tựu này, bao gồm Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Chandrayaan-3 tiếp đất vào 19h33 ngày 23/8 theo giờ Hà Nội. Từ sau đó, ISRO chia sẻ một số ảnh chụp, bao gồm 4 bức ảnh khi hạ cánh và ảnh chụp cận cảnh đầu tiên bề mặt đầy miệng hố của Mặt Trăng.
Nhiệm vụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ hứa hẹn mở đường cho các nhiệm vụ Mặt Trăng tương lai. Tuy nhiên, theo dự kiến, trạm đổ bộ và robot tự hành sẽ không thể sống sót qua đêm Mặt Trăng tiếp theo. Bộ pin của cả hai phương tiện nhiều khả năng sẽ cạn kiệt không lâu sau khi Mặt Trời lặn, không cung cấp đủ năng lượng để các hệ thống hoạt động qua hai tuần lạnh cóng trong bóng tối. (Chu kỳ ngày - đêm trên Mặt Trăng tương đương 28 ngày trên Trái Đất).
Vikram và Pragyan sẽ dành hai tuần nghiên cứu khu vực xung quanh địa điểm hạ cánh gần cực nam Mặt Trăng. Không chỉ là nhiệm vụ hạ cánh trên Mặt Trăng thành công đầu tiên của Ấn Độ, Chandrayaan-3 cũng là nhiệm vụ đầu tiên khám phá vùng cực nam từ mặt đất thay vì quỹ đạo. Các nhà khoa học cho rằng những miệng hố bị che khuất quanh vùng cực của Mặt Trăng chứa lượng nước đóng băng lớn, có thể khai thác và sử dụng bởi phi hành gia trong tương lai, giúp giảm chi phí khám phá vũ trụ do con người không cần đem theo nước. Họ cũng có thể tận dụng nguồn nước này để tạo ra oxy. Trong tương lai, hydro và oxy tách từ nước Mặt Trăng có thể dùng làm nhiên liệu cho tên lửa bay tới sao Hỏa và nhiều địa điểm khác trong không gian sâu.
An Khang (Theo Space)