Ngày 6/10/1973, Ai Cập và Syria mở chiến dịch phối hợp tấn công Israel trên hai mặt trận ở Sinai và Cao nguyên Golan, với hy vọng giành lại vùng lãnh thổ đã mất vào tay nhà nước Do Thái trong cuộc chiến trước đó 6 năm.
Một trong những sự kiện nổi bật trong cuộc chiến là trận đánh không cân sức giữa 170 xe tăng Israel với 1.400 xe tăng Syria tại Thung lũng Nước mắt ở Cao nguyên Golan.
Dù có một số dấu hiệu cảnh báo, cuộc tấn công của các quốc gia Arab năm 1973 đã gây bất ngờ cho Israel, do 6/10 là ngày thánh Yom Kippur, ngày lễ linh thiêng nhất trong năm của người Do Thái. Vào ngày này, người Do Thái nhịn ăn, xưng tội và tập trung cầu nguyện, khiến mức độ cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu của quân đội Israel giảm xuống mức thấp nhất.
Đúng ngày đã định, trong khi quân đội Ai Cập vượt kênh đào Suez tấn công tuyến phòng thủ của Israel, 1.400 xe tăng Syria với sự yểm trợ của không quân và 1.000 khẩu pháo cũng đồng loạt tiến vào Cao nguyên Golan. Trong số này có khoảng 400 chiếc T-62, mẫu xe tăng chủ lực hiện đại nhất được Liên Xô xuất khẩu vào thời điểm đó, còn lại là xe T-54 và T-55 cũ hơn.
Lực lượng đồn trú của Israel tại Cao nguyên Golan chỉ có hai lữ đoàn, gồm Lữ đoàn thiết giáp số 7 đóng quân ở phía bắc và Lữ đoàn số 188 Barak ở phía nam, với tổng cộng 170 xe tăng, chủ yếu là dòng Centurion của Anh và M48 Patton do Mỹ chế tạo, cùng 70 khẩu pháo.
Cuộc tấn công mở màn khi Syria triển khai lực lượng phá mìn và xe bắc cầu để giúp xe tăng nhanh chóng vượt qua hệ thống hầm hào phòng thủ của Israel. Lữ đoàn thiết giáp số 7 Israel ở phía bắc Cao nguyên Golan phải hứng chịu đòn tấn công của 500 xe tăng và 700 xe thiết giáp chở quân đối phương.
Dù bị áp đảo về số lượng và mất một số xe tăng trong trận chiến quyết liệt, lực lượng Israel vẫn giữ được chiến tuyến và gây tổn thất nặng cho Syria.
Giao tranh tiếp diễn trong đêm 6/10, khi hai bên tấn công và phản công lẫn nhau. Phòng tuyến của Israel bị chọc thủng nhiều lần, nhưng các cuộc phản công giúp họ đẩy lùi lực lượng thọc sâu của Syria.
Những trận đánh ác liệt tiếp tục diễn ra trong hai ngày tiếp theo. Dù chịu thiệt hại lớn hơn, đội hình tăng thiết giáp Syria vẫn tiếp tục đà tiến công.
Đến ngày 9/10, Israel chỉ còn 6 xe tăng bảo vệ khu vực phía bắc Cao nguyên Golan, buộc chỉ huy Lữ đoàn thiết giáp số 7 phải ra lệnh rút lui. Trên đường rút quân, họ gặp 15 xe tăng từ tuyến sau lên chi viện. Thấy đội hình xe tăng mới của Israel xuất hiện, phía Syria tưởng đó là quân tiên phong của lực lượng tiếp viện, nên bắt đầu rút lui.
Lợi dụng địa hình, xe tăng Israel chiếm lĩnh các ngọn đồi cao, liên tục phục kích, nã đạn vào đội hình xe tăng Syria bên dưới, khiến họ rối loạn, không thể bắn trả và hứng chịu thiệt hại nặng nề. Tướng Omar Abrash, chỉ huy một lữ đoàn thiết giáp Syria, thiệt mạng khi xe tăng của ông bị bắn trúng.
Đến lúc này, mũi tiến công ở phía bắc Cao nguyên Golan của Syria đã bị chặn đứng, với 400-500 xe tăng, thiết giáp bị phá hủy nằm rải rác ở dưới những chân đồi, khiến các sĩ quan Israel gọi khu vực này là "Thung lũng Nước mắt".
Tại mặt trận phía nam Cao nguyên Golan, khoảng 600 xe tăng Syria cũng tìm cách chọc thủng phòng tuyến của Lữ đoàn Barak, đơn vị chỉ được trang bị 12 xe tăng. Bãi mìn phòng thủ và hỏa lực pháo hạng nặng của Israel đã phá hủy hàng chục xe tăng của Syria trong đợt tấn công ban đầu.
Tuy nhiên, lực lượng Syria liên tục tấn công dựa trên ưu thế vượt trội về số lượng. Tiêm kích Israel được huy động chi viện cho Lữ đoàn Barak, nhưng nhiều chiếc bị hệ thống phòng không SAM của Syria bắn hạ.
Giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra trong đêm. Số xe tăng ít ỏi của Israel sử dụng chiến thuật "bắn và chạy" để hạn chế tối đa thiệt hại. Điều này dường như đã ngăn cản lực lượng Syria tràn vào phía nam Cao nguyên Golan vì họ tin rằng đang phải đối mặt với kẻ thù đông đảo hơn.
Ngày 7/10, xe tăng Syria bắt đầu một cuộc tiến công khác. Đại tá Yitzhak Ben-Shoham, chỉ huy Lữ đoàn Barak, quyết tâm chiến đấu đến cùng dù hầu như không còn xe tăng nào có thể chiến đấu. Họ cầm cự đến khi bị đội hình xe tăng Syria tiêu diệt hoàn toàn.
Sau trận chiến khó khăn trước Lữ đoàn Barak, đội hình 92 xe tăng Syria phát huy đà tiến công vào phòng tuyến Israel, nhưng chỉ huy của họ đột nhiên ra lệnh ngừng giao tranh mà không rõ lý do. Điều này đã giúp Israel có thêm thời gian huy động quân dự bị chi viện cho tiền tuyến.
Sự xuất hiện của lực lượng dự bị Israel đã thay đổi cục diện chiến trường, khi quân Syria bị chặn đứng và dần bị đẩy lùi. Vài ngày sau đó, Syria ngừng tiến công và rút lui hoàn toàn.
Israel giành chiến thắng trong cuộc chiến nhưng trả giá bằng thương vong nặng nề. Syria và Ai Cập không thực hiện được các mục tiêu chiến dịch, dù quyết tâm mạnh mẽ hơn nhiều so với cuộc chiến năm 1967. Chiến tranh Yom Kippur kết thúc ngày 25/10/1973, với chiến tuyến không thay đổi so với 6 năm trước đó.
Ngày 17/9/1978, Israel và Ai Cập ký kết hiệp ước hòa bình, trong đó bán đảo Sinai được trả lại cho Ai Cập. Trong khi đó, Israel và Syria vẫn trong tình trạng chiến tranh cho đến ngày nay.
Duy Sơn (Theo War History)