"Thay đổi đang đến, dù bạn có muốn hay không", cô bé Thụy Điển ít người biết đến Greta Thunberg nói trong bài phát biểu ba phút tháng 11/2018.
Ngày 11/12, Thunberg, hiện 16 tuổi, đã nổi tiếng toàn cầu và là gương mặt dễ nhận biết nhất của phong trào đấu tranh vì môi trường. Cô bé trở lại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu, năm nay tổ chức ở ngoại ô thủ đô Tây Ban Nha và trở thành tâm điểm chú ý.
Hành trình đi vòng quanh thế giới để thúc đẩy hành động vì khí hậu đã biến cô bé từ một người biểu tình đơn độc thành một biểu tượng quốc tế. Ngày 11/12, không lâu sau khi Thunberg phát biểu, cô bé được tạp chí Time chọn là "nhân vật của năm" vì là "người có tiếng nói lớn nhất về vấn đề lớn nhất đối với hành tinh".
Rất nhiều điều đã thay đổi kể từ sự kiện ở Ba Lan, khi Thunberg bắt đầu xuất hiện trên sân khấu thế giới. Mọi người đổ xô đến những hội trường cô bé phát biểu. Các hãng truyền thông theo dõi nhất cử nhất động của Thunberg. Các nhà hoạt động trẻ hưởng ứng những lời kêu gọi của cô bé.
Tuy nhiên, rất nhiều điều đã không thay đổi. Thế giới vẫn không có hành động tập thể nào chống lại biến đổi khí hậu. Lượng khí thải toàn cầu vẫn chưa bị kiềm chế. Thunberg vẫn giữ nguyên sự thẳng thừng và giận dữ khi phát biểu.
"Những thay đổi cần thiết vẫn chưa được thực hiện", Thunberg nói. "Tôi vẫn tin rằng mối nguy hiểm lớn nhất không phải là không hành động. Mối nguy hiểm thực sự là các chính trị gia và CEO giả vờ rằng họ đang hành động, trong khi thực tế, gần như không có gì được thực hiện".
Cuối mùa hè năm 2018, Thunberg ngồi một mình vào mỗi thứ sáu bên ngoài quốc hội Thụy Điển, lặng lẽ phản đối với một tấm biểu ngữ tự chế: Nghỉ học vì khí hậu. Tấm biểu ngữ và chủ sở hữu của nó đã có một hành trình đáng kinh ngạc kể từ những ngày đầu đơn độc. Tháng 11/2018, hơn 17.000 sinh viên ở 24 quốc gia tham gia vào phong trào bãi khóa mỗi thứ sáu.
Trong năm qua, Thunberg, người từ chối đi máy bay do lo ngại về phát thải CO2, đã đi thuyền qua Đại Tây Dương hai lần, đưa ra những phát biểu quyết liệt từ New York cho đến Bắc Dakota, từ Berlin đến Brussels. Cô bé thôi thúc hàng triệu người trên hàng trăm quốc gia tuần hành, yêu cầu các lãnh đạo hành động nhanh hơn và mạnh mẽ hơn để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Cô bé trở thành đề tài bàn tán trên mạng, phát biểu trước quốc hội Mỹ, xuất hiện trên bìa tạp chí và chương trình truyền hình, trở thành ứng viên cho giải Nobel Hòa bình. Một bức tranh tường cao 18 m vẽ khuôn mặt cô bé xuất hiện ở San Francisco, những tranh giống như vậy được dán trên đường phố Washington.
Thunberg thu hút được hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội, xuất bản một cuốn sách tập hợp các bài phát biểu của mình và đưa ra thông điệp giống nhau trong vô số cuộc phỏng vấn: "Hãy lắng nghe các nhà khoa học".
Katrin Uba, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Thụy Điển Uppsala, cho biết thời điểm là một trong các yếu tố giúp Thunberg nổi tiếng nhanh chóng. Cô bé kêu gọi phong trào bãi khóa khi Mỹ rút khỏi hiệp định Paris và các tác động khí hậu đang trở nên rõ ràng hơn. Thông điệp mà cô bé lan truyền "hãy lắng nghe những nhà khoa học" đơn giản, khiến mọi người dễ nắm bắt.
Ngoài ra, việc truyền thông đưa tin đậm và độ phủ sóng trên mạng xã hội đã giúp khuếch đại thông điệp và thúc đẩy phong trào bãi khóa Thứ sáu vì Tương lai trên toàn cầu. "Thunberg đã khuyến khích những người trẻ quan tâm đến biến đổi khí hậu, đặc biệt là những cô gái trẻ, lên tiếng về vấn đề. Phần lớn các nhà hoạt động này chưa bao giờ tham gia biểu tình hay tham gia phong trào môi trường", Uba nói.
Dù có độ nổi tiếng tăng vọt, Thunberg nhiều lần cố gắng tránh "ánh đèn sân khấu" chỉ tập trung vào mình mà hướng sự chú ý đến các nhà hoạt động trẻ khác cũng như các nhà khoa học khí hậu. Hồi tháng 10, cô bé từ chối một giải thưởng lớn về môi trường, viết rằng "phong trào khí hậu không cần thêm bất kỳ giải thưởng nào. Điều chúng ta cần là các chính trị gia và những người nắm quyền bắt đầu lắng nghe những nhà khoa học giỏi nhất hiện giờ".
Hồi đầu tuần, tại Madrid, Thunberg nói với đám đông rằng cô bé cảm thấy có nghĩa vụ cần sử dụng tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình để làm nổi bật những người khác cũng đang đấu tranh với biến đổi khí hậu, một số trong đó mất rất nhiều năm mới gây được sự chú ý.
Nhưng vào ngày 11/12, sự tập trung lại đổ dồn vào Thunberg. Khi cô bé bước lên bục phát biểu, điều nhiều người chờ đợi là Thunberg sẽ nói gì để chọc tức các lãnh đạo thế giới. Hồi tháng 9, Thunberg đã gây xôn xao với bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, yêu cầu các lãnh đạo hành động như thể "nhà đang cháy" và liên tục nói "sao các người dám" khi chỉ trích sự thờ ơ của các chính phủ. "Các ngài đã đánh cắp ước mơ và tuổi thơ của cháu bằng những ngôn từ sáo rỗng", nhà hoạt động nhỏ tuổi giận dữ nói như suýt khóc.
Nhưng ngày 11/12, cô bé không đưa ra những lời quở trách mà thay vào đó yêu cầu các lãnh đạo một lần nữa xem xét vấn đề khoa học. Cô bé đọc các số liệu cho thấy thế giới cần nhanh chóng kiềm chế khí thải nhà kính như thế nào để tránh làm xấu đi các tác động khí hậu vốn đã gây ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên toàn cầu.
"Đây là những gì cháu muốn các ngài tập trung vào", Thunberg nói. "Làm sao các ngài có thể đối mặt với những con số này mà không cảm thấy hoang mang? Sao các ngài không tức giận khi chưa có điều gì được thực hiện? Sao các ngài không thấy tình hình này đáng báo động? Cháu thực sự muốn biết", cô bé nói.
Khi cô bé nói, các máy ảnh chụp lia lịa. Những lời phát biểu được chia sẻ trên Twitter ngay tức thời. Tiếng vỗ tay làm gián đoạn bài phát biểu hết lần này đến lần khác.
Nhưng có một câu hỏi được đặt ra: Liệu thay đổi mà cô bé mong muốn có thành hiện thực? Liệu hàng triệu nhà hoạt động mà cô bé đang cổ vũ có thực sự thúc đẩy được các lãnh đạo hành động với sự khẩn trương hơn.
Đây là vấn đề gắn liền với thực tế kinh tế, chính trị quốc gia, toàn cầu và những trì hoãn đã khiến các nước không theo kịp lời hứa họ đưa ra ở Paris năm 2015. Những hồi chuông cảnh báo về tốc độ phát thải của thế giới, cùng với những trận cháy rừng dữ dội, bão tàn khốc, nước biển dâng và những thảm họa khác cho thấy không có nhiều thời gian để lãng phí. Nhưng các cuộc họp về môi trường đều cho thấy thay đổi thường đến với tốc độ rất chậm.
Thực tế, không phải ai cũng ưa Thunberg. Trong khi cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng "cô bé đang thay đổi thế giới", nhiều người cho rằng thông điệp của Thunberg cực đoan, gây rối loạn cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, gây tổn hại cho những sáng kiến công nghệ, che giấu những thách thức môi trường khác và gieo rắc sự hoang mang. Họ còn cho rằng những gì cô bé thể hiện là triệu chứng thần kinh rối loạn của trẻ tự kỷ. Thunberg bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn phát triển Asperger (kỹ năng giao tiếp kém, đặc biệt là ngôn ngữ cơ thể).
Nhà triết học người Pháp Michel Onfray mô tả cô như một "người máy" trong khi nhà bình luận bảo thủ người Mỹ Michael Knowles cho rằng cô bé "bị bệnh tâm thần" chịu trách nhiệm cho "sự cuồng loạn về khí hậu". Trump từng chia sẻ dòng tweet của một người ủng hộ, trong đó chỉ trích Thunberg là "diễn viên". Tổng thống Nga Putin cho rằng Thunberg là một cô gái tốt, chân thành, song ông không tán thành hoạt động của cô. Ông đánh giá Thunberg còn kém hiểu biết về tình hình cuộc sống ở những quốc gia không thịnh vượng như Thụy Điển.
Tuy nhiên, rõ ràng áp lực Thunberg tạo ra đang khiến các lãnh đạo ngày càng khó phớt lờ những lời kêu gọi thay đổi. "Một năm rưỡi trước, cháu không nói chuyện với bất cứ ai trừ khi cháu bắt buộc phải làm vậy", Thunberg nói hôm 11/12 khi bắt đầu bài phát biểu. "Nhưng sau đó cháu đã tìm thấy lý do để lên tiếng".
Cô bé cũng liên tục nhắc nhở rằng cô không đi con đường này một mình. Hàng chục nhà hoạt động trẻ tuổi đã lên sân khấu khi phiên phát biểu của Thunberg kết thúc. "Không ai có thể ngăn cản chúng ta", họ đồng thanh hô vang. "Chúng ta có thể mang đến một thế giới khác".
Xem thêm:
Greta Thunberg - vị cứu tinh hay con rối?
Trump có thể bất mãn vì Thunberg thành 'Nhân vật của năm'
Phương Vũ (Theo Washington Post/Reuters)