Hôm qua, Tổng cục Thuế cũng có công văn gửi báo chí, trong đó một lần nữa khẳng định ngay sau khi có kết luận cuối cùng của đoàn thanh tra liên ngành, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng, cơ quan thuế sẽ hoàn thuế theo quy định, đồng thời bồi thường thiệt hại do việc chậm trễ hoàn thuế. Trao đổi với VnExpress, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phạm Duy Khương cho biết dựa trên các tài liệu điều tra của cơ quan an ninh và báo cáo của Cục Thuế Tây Ninh, có thể nghi vấn Nhật Tân gian lận để được hoàn thuế. "Tuy nhiên, đúng sai thế nào phải chờ kết luận cuối cùng của đoàn thanh tra", ông Khương nói. Theo ông, câu chuyện liên quan tới Nhật Tân sẽ sáng tỏ hơn nếu các giao dịch, thanh toán được thực hiện qua ngân hàng. Tới đây, Tổng cục Thuế sẽ xem xét đưa thêm điều kiện hoàn thuế, trong đó có quy định bắt buộc thanh toán qua ngân hàng. |
Trong công văn do Cục trưởng Nguyễn Văn Phong ký ngày 19/11, Cục Thuế Tây Ninh cho biết từ cuối năm 2002 đến cuối 2003, Nhật Tân đã đề nghị hoàn thuế 6 kỳ. Cơ quan thuế đã hoàn 5 kỳ với số tiền gần 2,3 tỷ đồng. Còn kỳ thứ 6 (cho 6 tháng cuối năm 2003), đề nghị hoàn gần 1,5 tỷ đồng, cục chưa xét với lý do có một số dấu hiệu bất thường trong hoạt động kinh doanh của công ty.
Có 3 dấu hiệu nghi vấn mà cơ quan thuế đưa ra. Trong đó đáng chú ý là sự bất thường trong tình hình tài chính của công ty, thể hiện ở việc công ty vay các cá nhân bên ngoài (không phải vay ngân hàng) với số tiền lớn, lên đến gần 57 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ phần chi trả lãi vay ngoài, công ty không hạch toán vào chi phí kinh doanh.
Theo Cục Thuế Tây Ninh, điều này chứng tỏ việc vay vốn bên ngoài và trả lãi vay của Nhật Tân có dấu hiệu không minh bạch. "Nếu doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh minh bạch, rõ ràng thì việc phát sinh chi phí lãi vay vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh phải hạch toán đầy đủ vào chi phí kinh doanh", Cục Thuế Tây Ninh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo cơ quan thuế, Nhật Tân kinh doanh chưa hiệu quả, trong hai năm 2003 và 2005 bị lỗ, 2004 có phát sinh lợi nhuận nhưng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cả năm chỉ đạt 0,18%, thấp hơn lãi suất ngân hàng. Số nộp ngân sách nhà nước của Nhật Tân thấp hơn so với doanh thu thực hiện và thấp so với các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề.
Cơ quan thuế cũng nghi vấn về nguồn gốc hàng mua trong nước để xuất khẩu sang Campuchia. Theo đó, hàng mà Nhật Tân mua chủ yếu là ở TP HCM và Tây Ninh, thanh toán bằng tiền mặt nhưng không phải do công ty trực tiếp thanh toán. Người mua hàng, nhận hàng và trả tiền đều không phải là nhân viên của công ty, song trên hóa đơn giá trị gia tăng, bên mua đề nghị ghi tên Công ty TNHH Nhật Tân.
Theo cơ quan thuế, biểu hiện này có nghĩa là Nhật Tân không mua, nhận hàng hóa và thanh toán tiền, nhưng vẫn ghi tên mình trên hóa đơn VAT nhằm mục đích hợp thức hóa chứng từ để được hoàn thuế.
Cùng với những nghi vấn của mình, khi Công an Tây Ninh gửi công văn kết luận Nhật Tân có dấu hiệu vi phạm các điều kiện hoàn thuế, Cục Thuế Tây Ninh đã xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế đề dừng hoàn thuế và xem xét thu hồi số thuế đã hoàn cho Nhật Tân.
Nêu ra hàng loạt nghi vấn như vậy, song trong văn bản hôm 19/11, Cục Thuế cũng chưa đưa ra hướng xử lý dứt điểm với Nhật Tân, mà cho biết sẽ chờ kết luận của đoàn thanh tra quyết toán thuế của UBND tỉnh Tây Ninh.
"Cơ quan thuế Tây Ninh đang làm quá thẩm quyền của họ. Nếu doanh nghiệp đã đủ điều kiện hoàn thuế thì phải hoàn thuế cho họ. Có nghi vấn gì, cơ quan chức năng phải tiến hành điều tra, kết luận rõ ràng mới xử lý. Và cũng cần tách bạch việc nào ra việc nấy", Luật sư Trần Vũ Hải trao đổi với VnExpress.
Theo ông Hải, những nghi vấn mà cơ quan thuế nêu không liên quan tới Luật Thuế giá trị gia tăng và câu chuyện hoàn thuế, mà thuộc về phạm trù thuế thu nhập doanh nghiệp. Chuyện vay bên ngoài và trả lãi là nội bộ của doanh nghiệp, nếu họ không hạch toán vào chi phí kinh doanh thì bản thân họ chịu thiệt trước tiên (thu nhập chịu thuế sẽ bị đội lên).
Liên quan tới việc mua bán hàng hóa, Luật Thương mại có quy định về môi giới, theo đó các công ty có quyền cử một đại diện không phải là người của công ty thay mình đi đàm phán, mua bán hàng hóa. Vì vậy, chuyện mua trực tiếp hay mua gián tiếp cũng là của riêng doanh nghiệp, thuế không có trách nhiệm phải điều tra. Miễn là doanh nghiệp mua hàng thật, xuất khẩu thật.
Cơ quan thuế có nêu lý do công an đề nghị dừng hoàn thuế nên chưa hoàn thuế cho doanh nghiệp. Điều này theo ông Hải, cũng không chuẩn. Vì chỉ khi nào công an khởi tố vụ án hình sự và đề nghị dừng hoàn thuế, thì cơ quan thuế mới phải thực hiện.
"Một lần nữa tôi thấy thất vọng về cách làm việc của Cục Thuế Tây Ninh. Tôi muốn biết rõ họ kết luận là tôi sai hay không sai và cho hướng xử lý dứt điểm. Đằng này họ lại giải thích vòng vo, đưa ra những thông tin rất cũ, và cũng rất vô lý", Phó giám đốc Công ty Nhật Tân Trương Thành Niên, người cùng viết đơn xin đi tù với em trai mình, giám đốc Trương Hoàng Dũng, bức xúc.
Theo ông Niên, kể từ khi báo chí đưa tin Cục Thuế Tây Ninh bắt tay làm rõ vụ việc, hơn một tuần qua, họ chưa một lần làm việc với doanh nghiệp. Ngay cả công văn ký ngày 19/11, cũng chỉ gửi cho báo chí và Tổng cục Thuế, chứ không gửi cho doanh nghiệp.
"Tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi. Ngoài báo chí và một số doanh nghiệp bạn bè, chúng tôi không được ai che chở. Từ vài tháng trước, tôi đã gặp chủ tịch tỉnh. Đã nói rõ khó khăn như thế nào, mong ông chỉ đạo làm rõ, nếu tôi sai thì hay đề nghị cơ quan chức năng truy tố, cho tôi vào tù để trốn nợ. Ông ấy có hứa là sẽ chỉ đạo rốt ráo làm ngay. Nhưng từ đó đến giờ, mọi chuyện vẫn không thay đổi", ông Niên nói.
Ông Niên cho biết thêm, trước khi báo chí đưa tin về trường hợp của ông, các chủ nợ đòi rất gắt gao. Nhưng nay họ đã thông cảm hơn và đồng ý gia hạn nợ.
Ngoài phần vay bạn bè, đối tác chưa trả, hiện Nhật Tân còn nợ một ngân hàng cổ phần chi nhánh Tây Ninh 700 triệu đồng. Chưa tính tới số nợ gốc, mỗi ngày Nhật Tân phải chịu phạt 500.000 đồng vì nợ quá hạn. Tính ra đã là 10 tháng kể từ ngày đáo hạn mà Nhật Tân vẫn chưa thể thanh toán với ngân hàng.
"Họ đã nương nhẹ và đồng ý cho nợ nốt tháng này. Nếu không đúng hẹn, ngân hàng sẽ tịch biên và phát mãi tài sản. Phần tài sản hiện nay của Nhật Tân, nếu đem phát mãi cũng chỉ đủ trả cho ngân hàng. Nợ bên ngoài lớn hơn nhiều. Mà ngại nhất là mình nhờ anh em, họ hàng đi vay hộ. Giờ chẳng biết xoay sở thế nào nữa", ông Niên thở dài.
Song Linh