Trao đổi với VnExpress sáng 4/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, cụ thể, sữa và kem chưa cô đặc sẽ có mức thuế mới 10%, thay cho thuế suất 20% hiện hành. Sữa và kem đã cô đặc sẽ có 3 mức 5%, 7% và 15%, thuế nhập khẩu áp dụng hiện nay tương ứng là 10%, 15% và 30%.
Đối với các sản phẩm buttermilk, sữa đông, sữa chua, mức thuế mới sẽ là 15% so với 30% hiện hành. Những thực phẩm chứa sữa cũng nằm trong phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu và giữ ở 2 mức 10%, 15% thay cho thuế đang phải chịu là 20% và 30%. Riêng sữa tươi, mức thuế mới được giảm từ 40% xuống còn 20%.
Thứ trưởng Trung khẳng định giảm thuế bao giờ cũng tác động đến bảo hộ đến mặt hàng sản xuất trong nước, tâm lý tiêu dùng, thu ngân sách. Do đó các nhà sản xuất chắc chắn sẽ phải tính toán lại chi phí, giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh sao cho có lợi cho người tiêu dùng.
"Ngoài sữa, Bộ Tài chính cũng tính toán giảm thuế cho một loạt các sản phẩm nằm trong nhóm thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng...", ông Trung cho biết.
![]() |
Giảm thuế nhập khẩu nhưng giá sữa chưa chắc đã hạ nhiệt. Ảnh: T.L. |
Sữa lờ chuyện giảm giá
Mừng trước quyết định giảm thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính, nhưng hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng van điều tiết thuế chưa hẳn đã giúp nhà sản xuất cầm cương kéo lùi con ngựa giá sữa đang tăng với tốc độ phi mã. Giá sữa thành phẩm trên thị trường cũng không thể giảm ngay khi được bớt thuế nhập khẩu.
"Bởi thuế chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá thành tại thị trường Việt Nam", ông Lê Viết Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hancofood, chủ thương hiệu sữa Dollac - cho biết.
Theo ông Hà, nguyên nhân cơ bản của việc phải điều chỉnh giá bán sữa lên theo chiều thẳng đứng liên tục từ hồi đầu năm đến nay là nguyên liệu nước ngoài tăng cao. Nếu đầu 2007, nguyên liệu sữa nước ngoài cung cấp cho các nhà sản xuất Việt Nam có giá 2.500 USD/tấn, thì giữa năm giá đã tăng gấp đôi. Chưa đến hết tháng 7, giá nguyên liệu sữa đã ở mức 5.700 USD/tấn (ghi vào ngày 23/7).
Phân tích của một công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam mới đây cũng cho thấy, giá nguyên liệu cho một lon sữa trọng lượng 400gr (kể cả hàng nội hay ngoại) là 32.000 đồng/lon, trong đó có tiền thuế nhập khẩu 4.800 đồng (15%). Như vậy nếu giảm 50% thuế nhập khẩu thì chỉ bớt đi được 2.400 đồng/lon sữa chưa đủ 1kg trọng lượng. Trong khi đó mỗi lần tăng giá, các nhà sản xuất sữa điều chỉnh một lúc có khi lên đến 26.000 đồng/lon sữa.
Tổng giám đốc một công ty sữa khác tại TP HCM thì nói, từ cuối tháng 6, hầu hết nhà sản xuất sữa đã ký hợp đồng mua nguyên liệu từ nước ngoài cho cả quý 4. Theo đó, cái giá mua vào cho một tấn nguyên liệu sữa lên đến 6.000 USD/tấn.
Người điều hành công ty sữa này khẳng định, giảm thuế chỉ giúp doanh nghiệp bớt đi một phần nhỏ chi phí đầu ra. Riêng giá nguyên liệu vẫn phải mua cao theo hợp đồng đã ký. Do đó khó có thể giảm giá sữa trong vòng 2 tháng tới.
Từ đầu năm đến nay, các nhà sản xuất sữa đã 3 lần thông báo tăng giá và còn đe sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, khiến người tiêu dùng trở nên hoang mang, thậm chí quay lưng với sản phẩm dinh dưỡng sức khỏe này.
Giá sữa ngoại gấp đôi hàng nội vì thương hiệu
Cũng báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường trên kia phân tích, cùng một lon sữa bột có trọng lượng 400gr lấy nguồn nguyên liệu từ một nhà cung cấp ở NewZealand, chất lượng và thành phần ngang nhau; hàng sản xuất trong nước chỉ bán khoảng 52.000 đồng, trong khi sữa ngoại giá hơn 100.000 đồng. Giá thành sản xuất tương ứng của 2 loại sữa nội ngoại là 45.800 và 58.800 đồng/lon.
Sữa nội hay ngoại cũng phải trả cùng một mức chi phí cho bao bì là 6.000 đồng/lon. Song, chênh lệch của 2 loại nội ngoại là chi phí sản xuất hàng nhập khẩu cao gấp 3 lần, chi phí quản lý cũng cao hơn 10 lần sản phẩm trong nước.
Chi phí tiếp thị cho sản phẩm sữa nhập khẩu chiếm rất cao trong thương hiệu, ước tính đến 30-50% giá bán. Do đó các hãng sữa ngoại phải bán hàng với giá cao gấp 2-2,5 lần giá thành sản xuất và sản phẩm nội địa.
Phan Hồng Anh