Ngày 25/3, trong phiên xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội, sau khi nghe HĐXX giải thích chi tiết về hành vi phạm tội và mức hình phạt tuyên trong phiên sơ thẩm, nữ bị cáo này đã xin rút kháng cáo.
Liên quan vụ án, đồng phạm Phạm Ngọc Liên, 41 tuổi, do không đưa ra được tình tiết và bằng chứng mới, bị HĐXX bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tháng 9/2020, hai nữ bị cáo cùng bị TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Bản án sơ thẩm xác định, ông Nguyễn Ngọc Hải là chủ sở hữu 2 mảnh đất (70 m2 và 266 m2) tại phường Xuân La, Tây Hồ. Ông Hải sống cùng Hồng Liên như vợ chồng từ 2005, không đăng ký kết hôn.
Tháng 2/2017, ông Hải sửa nhà, đưa 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các thửa đất trên cho người tình bảo quản hộ.
Do nợ nần nhiều, cần tiền chi tiêu, Hồng Liên cùng hai nữ đồng bọn bàn bạc làm thủ tục, chuyển nhượng, sang tên 2 thửa đất của ông Hải. Các bị cáo sau đó thuê người để 2 lần đóng giả ông Hải, làm thủ tục thế chấp các sổ đỏ này để vay ngân hàng rồi chiếm đoạt tiền.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 4/2017 đến tháng 8/2018, các bị cáo thực hiện trót lọt 2 vụ lừa đảo tại 2 ngân hàng với tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng.
Cụ thể, đầu năm 2017, Ngọc Liên giới thiệu cho Hồng Liên đến gặp Nguyễn Thị Ngọc Nguyên, 46 tuổi để vay tiền song không có tài sản thế chấp. Nguyên bàn bạc với hai Liên dùng các sổ đỏ của ông Hải để thế chấp ngân hàng, chia lợi nhuận.
Nguyên làm thủ tục để Hồng Liên đứng tên làm giám đốc Công ty Hồng Quảng (vốn là công ty của Nguyên). Các bị cáo ghi tên ông Hải là thành viên góp vốn, dùng mảnh đất của ông làm tài sản bảo lãnh thế chấp để công ty này vay tiền ngân hàng.
Ngày 5/4/2017, Ngọc Liên nhờ chồng cũ, Phạm Đức Hùng đóng giả ông Hải, làm thủ tục công chứng hợp đồng bảo lãnh bằng sổ đỏ mảnh đất 266 m2 để cho Công ty Hồng Quảng vay số tiền 3 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần đại chúng Việt Nam (PVCombank).
Sau khi ngân hàng giải ngân, Nguyên đã rút tiền, chia cho đồng bọn. Thấy vẫn còn hạn mức cho vay, 4 bị cáo tiếp tục thế chấp mảnh đất trên, vay thêm 1,6 tỷ đồng để mua xe ôtô dùng chung.
Đến thời hạn thanh toán nhưng không có tiền trả ngân hàng, sợ mọi chuyện bại lộ, họ tiếp tục bàn bạc để chiếm được số tiền lớn hơn. Nguyên vay tiền để trả nợ PVCombank và rút sổ đỏ. Ba nữ bị cáo tìm người nhận chuyển nhượng mảnh đất 266 m2 để có sổ mới rồi tiếp tục thế chấp vào ngân hàng để lấy tiền.
Hùng tiếp tục đóng giả là ông Hải đứng ra ký kết hợp đồng chuyển nhượng đất, làm thủ tục sang tên sổ đỏ mới. Các đối tượng đã nhờ được một cặp vợ chồng ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội "vờ" nhận chuyển nhượng mảnh đất trên rồi lại ủy quyền lại cho nhóm của Nguyên. Các bị cáo tiếp tục thế chấp sổ mới vào PVCombank vay 10 tỷ đồng rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.
Cùng thủ đoạn trên, tháng 7/2018, các bị cáo tiếp tục chuyển nhượng mảnh đất 70 m2 cho Nguyên để Nguyên vay sau đó chiếm đoạt của ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) số tiền 14,4 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm nhận định các bị cáo đã thực hiện một chuỗi hành vi, thủ đoạn gian dối tinh vi, từ việc nhờ người đóng giả chủ sở hữu tài sản, sử dụng giấy tờ tuỳ thân giả nhằm lừa đảo các ngân hàng ký kết các hợp đồng cho vay thế chấp.
Nguyên được xác định là chủ mưu, chiếm hưởng 16,6 tỷ đồng, bị tuyên mức án nặng nhất, 20 năm tù. Phạm Đức Hùng tuy không được hưởng lợi gì trong số 24 tỷ đồng, song với vai trò đồng phạm tích cực, bị phạt 12 năm tù. Song cả Nguyên và Hùng đều không kháng cáo.
Hải Thư