Sáng 27/8, Thuỳ, 41 tuổi, bị TAND Hà Nội kết án 15 năm tù về hai tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 5 nạn nhân đã bị Thuỷ chiếm đoạt 840 triệu đồng.
Thuỳ khai kinh doanh quán cắt tóc ở phường Hàng Bột, do làm ăn thua lỗ, hỏi vay tiền nhiều người nhưng không có tài sản thế chấp nên nảy sinh ý định phạm pháp. Bị cáo tìm địa chỉ trên mạng, đặt hàng người đàn ông tên Tín làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Tín ra giá 15 triệu đồng, yêu cầu Thuỳ cung cấp thông tin cá nhân, còn diện tích và số thửa do Tín tự dưa vào. Thuỳ đồng ý.
Từ giữa 2017 đến giữa 2018, Tín gửi cho Thuỳ 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 3 lô đất có địa chỉ tại thị xã Sơn Tây và quận Đống Đa. Hai bên thanh toán tiền qua người giao hàng.
Thuỳ dùng 7 sổ đỏ giả này để vay tiền các nạn nhân với thời hạn từ 2 đến 6 tháng, rồi cắt liên lạc. Trong số này, người bị lừa nhiều nhất là 544 triệu đồng.
Tại phiên toà, Thuỳ khai lô đất ở quận Đống Đa là nhà mình, nhưng đã sang nhượng. Hai lô đất ở Sơn Tây là tự bịa ra. Để tạo niềm tin, Thuỳ dẫn các bị hại tới nơi, "chỉ bừa" một khu đất trống và bảo thuộc sở hữu của mình.
Thuỳ nói không quen biết Tín, không nhớ đặc điểm do chỉ liên lạc trên mạng, chưa bao giờ gặp trực tiếp. Thuỳ ăn năn về tội mình gây ra nhưng "không chắc sẽ bồi thường được tiền" cho các bị hại.
Tại phiên toà, luật sư bào chữa cho Thuỳ đề nghị làm rõ trách nhiệm của văn phòng công chứng khi ba lần làm hợp đồng thế chấp cho cùng một mảnh đất. Song đại diện VKS khẳng định, văn phòng công ứng không có chức năng xác minh sổ đỏ là giả hay thật hay giả. Hơn nữa, các giấy chứng nhận này đều có số sổ, ngày cấp, số thửa và tờ bản đồ khác nhau và không bị chặn trên hệ thống tra cứu nên không có cơ sở truy cứu trách nhiệm với công chứng viên.
Các bị hại không dự phiên toà. Mẹ bị cáo nói con gái tốt nghiệp trường luật, "là người tử tế, hiểu biết, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn" nên mới phạm tội.
Lam Vân