Hôm qua, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Krirk Krau Jirapaet cùng 15 chuyên viên, trong đó có hai Cục trưởng Xúc tiến xuất khẩu và Sở hữu trí tuệ, đã đến Việt Nam để xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. |
Thông tin trên vừa được Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Trần Mai Hưởng tiết lộ tại cuộc họp báo sáng nay, chuẩn bị cho Diễn đàn kinh tế "Hội nhập khu vực và tiến trình hiện đại hóa của Việt Nam (Vietnam Economic Forum). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có mặt và phát biểu với các doanh nghiệp tại diễn đàn.
Khoảng 500 đại diện các tập đoàn, công ty đến từ các nền kinh tế trong khu vực và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đã đăng ký tham dự diễn đàn, theo danh sách đăng ký từ Ban tổ chức là Bộ Kế hoạch đầu tư, Thông tấn xã Việt Nam, báo VietnamNews và Hiệp hội truyền thông Châu Á (Asia News Network - ANN). Sự có mặt của đông đảo doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc... tại diễn đàn được các nhà tổ chức đánh giá là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm lớn của giới đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam.
![]() |
Dự kiến nhà máy giấy Kraft tại Bình Dương sẽ có dây chuyền hiện đại hơn cả nhà máy giấy lớn nhất của SCG ở Thái Lan. Ảnh: P.A. |
Nhiều CEO các tập đoàn lớn nước ngoài có mặt tại Vietnam Economic Forum như Tổng giám đốc khu vực IBM Asean Ong Hoon Meng, Chủ tịch tập đoàn New Hope Liu Yongbao, Giám đốc khu vực tập đoàn Holcim của Thụy Sĩ Gerard Lettelier, Phó chủ tịch Petronas Malaysia Nasarudin M Idris...
Diễn đàn "Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa và hội nhập khu vực" cũng có mặt nhiều quan chức chính phủ , nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế trong khu vực Châu Âu và Châu Á. Theo đánh giá của giới quan sát, sự mặn mà của các tập đoàn nước ngoài đối với diễn đàn kinh tế Việt Nam lần này chứng tỏ sức hấp dẫn đầu tư vào đất nước hình chữ S vẫn tiếp tục gia tăng.
Cục trưởng Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng đánh giá, Vietnam Economic Forum là sự kiện tiếp nối Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng giám đốc APEC (CEO SUMMIT) hồi tháng 11 năm ngoái. "Diễn đàn là dịp để Việt Nam giới thiệu các cơ hội đầu tư và hội nhập kinh tế khu vực", ông Thắng nhận xét.
Dự kiến, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm nay có thể đạt 12 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2006. Trong quý 1, vốn FDI đăng ký mới 2,5 tỷ USD, tăng 22% so cùng kỳ năm trước. Nhiều dự án có quy mô tương đối lớn đã được cấp phép như Khu nhà nghỉ cao cấp tại Khu kinh tế Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) có 276 triệu USD vốn đầu tư; dự án xây dựng cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có vốn đăng ký 165 triệu USD...
Trao đổi với VnExpress, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài cho biết, 2 dự án khác thuộc loại có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay là Nhà máy nhiệt điện Kiên Giang 4 tỷ USD và một dự án ở vịnh Vân Phong, Nha Trang hơn 3 tỷ USD đang được xem xét hồ sơ để có thể cấp phép trong năm nay.
Phan Anh