Kiến nghị vừa được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận gửi Bộ Giao thông Vận tải, để Bộ làm việc với Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) - nhà tài trợ vốn ODA cho dự án. Động thái này được đưa ra bởi quá trình đấu thầu dự án có nhiều bước hiện cần sự chấp thuận từ EDCF, trước khi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận với vai trò đại diện Bộ Giao thông Vận tải quản lý dự án trước đó đã lập xong hồ sơ mời thầu xây lắp, tư vấn giám sát. Đồng thời ban đang đề nghị Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiểm tra. Việc này cũng đã gửi dự thảo lấy ý kiến nhà tài trợ EDCF hồi tháng 7, song đến nay chưa nhận phản hồi.
Theo kế hoạch, dự án 1A khởi công trong năm 2021. Do đó lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết cần sự phối hợp đồng bộ từ cả Bộ Giao thông Vận tải và EDCF mới đáp ứng tiến độ dự kiến. Hiện, quá trình đấu thầu có nhiều đầu việc cần được nhà tài trợ sớm xem xét và chấp thuận như hồ sơ mời thầu xây lắp, tư vấn giám sát; kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật xây lắp, tư vấn giám sát; dự thảo hợp đồng xây lắp, tư vấn giám sát...
Dự án 1A dài hơn 8,7 km, kết nối từ tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP HCM). Trong đó đoạn đi qua Đồng Nai dài 6,3 km, còn lại qua TP HCM. Kinh phí đầu tư cho dự án này gần 5.300 tỷ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Phần giải phóng mặt bằng tách thành dự án riêng do TP HCM và Đồng Nai thực hiện.
Ở giai đoạn một, dự án làm đường rộng 20-26 m cho 6 làn xe, vận tốc 80 km/h. Khi hoàn thành, tuyến đường giúp rút ngắn hành trình từ Nhơn Trạch, Đồng Nai đến TP HCM và Bình Dương; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá, hành khách... Công trình góp phần phân luồng từ xa giảm ùn tắc cho nội đô TP HCM.
Vành đai 3 TP HCM dài hơn 90 km chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Trong đó đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương) dài 16 km đã hoàn thành, đưa vào khai thác.
Ngoài dự án 1A đầu tư bằng vốn ODA, những đoạn còn lại chưa khép kín của Vành đai 3 đang được nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Việc giải phóng mặt bằng do các địa phương thực hiện. Trong đó, giai đoạn một dự án ước tính có tổng mức đầu tư gần 82.600 tỷ đồng, làm 4 làn xe cao tốc và đường song hành hai bên. Việc giải phóng mặt bằng cũng triển khai từ giai đoạn một với quy mô hoàn chỉnh.
Gia Minh