Theo Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS), giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Điều 554 Bộ luật này quy định hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Như vậy, điều luật không bắt buộc hợp đồng gửi giữ tài sản phải được lập thành văn bản nên về nguyên tắc, hợp đồng gửi giữ tài sản có thể chỉ là hợp đồng miệng hoặc bằng hành vi cụ thể.
Khoản 4 Điều 557 quy định nghĩa vụ của bên nhận gửi giữ tài sản là phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, Điều 360 quy định: Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Đối chiếu với các quy định nói trên, bạn và chủ cửa hàng đã xác lập một giao dịch dân sự (hợp đồng) gửi giữ tài sản. Bạn có quyền yêu cầu chủ quán bồi thường thiệt hại cho bạn. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau thì bạn có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, đương sự có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu (đòi bồi thường thiệt hại) là có căn cứ và hợp pháp. Điều này đòi hỏi bạn phải xuất trình các tài liệu có liên quan đến việc mất xe như: vé trông giữ xe, Biên bản về việc mất xe, Biên bản làm việc giữa hai bên, video ghi hình việc mất xe (do camera an ninh ghi lại), băng ghi âm làm việc giữ khách hàng và chủ quán, lời trình bày của người làm chứng... để chứng minh sự kiện mất xe đã xảy ra cũng như xác định mức độ lỗi của bên trông giữ xe.
Trường hợp bạn không chứng minh được một cách đầy đủ và rõ ràng thì yêu cầu của bạn có thể không được tòa án chấp nhận.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội