(Thanh Phong)
Luật sư tư vấn
Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) quy định về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Căn cứ Điều 589 BLDS, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút...
Điều 105 BLDS quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Căn cứ vào các quy định trên, thì con chó được xem là tài sản (tồn tại dưới hình thức là vật) thuộc quyền sở hữu của hàng xóm của anh. Khi làm chết con chó thì anh phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hàng xóm (chủ sở hữu của vật nuôi).
Tuy nhiên, hàng xóm của anh cũng có lỗi trong việc không trông chừng hay thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho mọi người khi nuôi chó, như: không xích giữ chó, không đeo rọ mõm cho chó... gây ra hậu quả là nó chạy sang cắn chết gà nhà anh. Do đó, người hàng xóm cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho anh giá trị của 3 con gà đã chết (khoản 1 Điều 603 BLDS).
Theo đó, anh và hàng xóm nên thương lượng bồi thường cho nhau giá trị tài sản đã mất. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại, thì anh có thể gửi đơn khởi kiện đến TAND có thẩm quyền để được giải quyết.
Tuy nhiên, luật sư không khuyến khích các bên khởi kiện vì thiệt hại xảy ra không đáng kể, mà quan trọng hơn vẫn là việc duy trì tình làng nghĩa xóm.
Luật sư Huỳnh Ái Chân
Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha